Nhiệt miệng là bệnh lý răng miệng phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mặc dù nhiệt miệng thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nó có thể gây đau và khó chịu cho người mắc. Hãy cùng tìm hiểu 10 cách chữa nhiệt miệng hiệu quả thường được khuyến cáo trong bài viết dưới đây.
Nhiệt miệng có nguy hiểm không?
Nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện tổn thương dạng loét trên các mô mềm trong miệng. Các vết loét thường nhỏ và nông, không lây nhiễm và có thể tự khỏi sau vài tuần. Nhiệt miệng thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng đôi khi nó cũng có thể là dấu hiệu cho một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như bệnh Celiac, viêm ruột, bệnh lý miễn dịch hoặc HIV/AIDS.
Vết loét ở miệng gây khó chịu cho người bệnh
Cách chữa nhiệt miệng bằng thuốc
Một số loại thuốc thường được sử dụng để chữa nhiệt miệng như thuốc giảm đau, lidocain, dexamethasone, oxy già,... Thuốc chữa nhiệt miệng thường sử dụng dưới dạng súc miệng, bôi ngoài da hoặc dùng đường uống.
Sử dụng dung dịch súc miệng
Một số thuốc chữa nhiệt miệng sử dụng dưới dạng nước súc miệng như dexamethasone hoặc thuốc tê lidocain để giảm đau. Tuy nhiên đây đều là những loại thuốc có hoạt tính mạnh, cần được bác sĩ kê đơn, bạn không nên tự ý mua và sử dụng.
Thuốc bôi ngoài da
Các thuốc chứa thành phần có hoạt tính như benzocaine, fluocinonide, hydrogen peroxide và corticoid thường sử dụng dưới dạng bôi ngoài da chữa nhiệt miệng. Các thành phần này có tác dụng giảm đau và tăng tốc độ chữa lành vết loét. Vì vậy, nên được sử dụng ngay khi vết loét mới xuất hiện để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Sử dụng thuốc uống
Trong trường hợp vết loét nghiêm trọng và không đáp ứng với các loại thuốc dùng tại chỗ, bạn có thể được chỉ định thuốc uống chữa nhiệt miệng như:
- Sucralfate (carafate): Đây là thuốc bao vết loét thường được chỉ định trong viêm loét dạ dày tá tràng. Đối với người bệnh nhiệt miệng, sucralfate được sử dụng như một chất phủ lên vết loét, giúp giảm đau và ngăn ngừa vết loét nghiêm trọng thêm.
- Colchicin: Thuốc điều trị bệnh gout, được chỉ định trong chữa nhiệt miệng nhờ tác dụng giảm đau.
- Glucocorticoid đường uống: Có tác dụng giảm đau kháng viêm mạnh nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, đây thường là biện pháp được chỉ định cuối cùng khi các vết loét không đáp ứng với phương pháp điều trị khác.
Chữa nhiệt miệng bằng thuốc dùng đường uống
>>>XEM THÊM: Top 3 cách chữa nhiệt miệng bằng thuốc nam cực đơn giản
Cách chữa nhiệt miệng tại nhà đơn giản và hiệu quả
Bên cạnh dùng thuốc, các vết loét miệng nhỏ và nông có thể điều trị dễ dàng hơn tại nhà bằng cách súc miệng, chữa nhiệt miệng bằng baking soda, mật ong, dầu dừa, sữa chua, hoa cúc, bã chè khô hoặc lá trầu không. Cụ thể:
Chữa nhiệt miệng bằng baking soda
Baking soda có tác dụng cân bằng pH, làm giảm tình trạng sưng viêm, liền các vết loét, vì vậy thường được sử dụng để chữa nhiệt miệng. Bạn chỉ cần hòa tan 5g baking soda vào 230ml nước, súc miệng trong 15-30 giây sau đó nhổ ra. Thực hiện súc miệng vài lần trong ngày để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
Chữa nhiệt miệng bằng sáp ong
Sáp ong là sản phẩm quen thuộc với nhiều người, được biết tới như một loại “kháng sinh tự nhiên” có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả. Vì vậy, từ lâu sáp ong đã được sử dụng phổ biến để chữa các bệnh lý răng miệng trong đó có nhiệt miệng. Nghiên cứu vào năm 2017 tại Braxin đã cho thấy thành phần dược chất nhóm flavonoid trong sáp ong giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng, giảm mùi hôi miệng.
Sáp ong kháng khuẩn kháng viêm giúp chữa nhiệt miệng
Chữa nhiệt miệng bằng dầu dừa
Acid lauric trong dầu dừa có tác dụng giảm sưng đỏ, giảm đau nên giúp chữa nhiệt miệng hiệu quả. Cách đơn giản nhất là thoa trực tiếp dầu dừa vào nơi nhiệt miệng và lặp lại thao tác này vài lần mỗi ngày cho tới khi khỏi hẳn. Ngoài ra, bạn cũng có thể súc miệng bằng dầu dừa nguyên chất trong 10-15 phút sau đó súc miệng lại bằng nước ấm. Thực hiện 2-3 lần/ngày để vết loét nhanh lành.
Chữa nhiệt miệng bằng sữa chua
Trong sữa chua chứa các vi khuẩn có lợi, hỗ trợ đẩy lùi tình trạng nhiệt miệng. Ngoài ra, sữa chua còn có tác dụng làm đẹp da, tốt cho tiêu hóa. Vì vậy, bạn nên sử dụng sữa chua mỗi ngày, sau các bữa ăn, vừa có tác dụng chữa nhiệt miệng hiệu quả vừa tốt cho sức khỏe.
Cúc La Mã cải thiện tình trạng nhiệt miệng
Cúc La Mã là loại hoa có tác dụng giảm đau, sát khuẩn, chống viêm nhờ vào hợp chất azulene và levomenol. Loại hoa này được xem là “thần dược” trong việc trị mụn, chăm sóc da, giảm tình trạng sưng viêm, nhiệt miệng.
Đối với phương pháp chữa bệnh bằng Cúc La Mã, bạn có thể lựa chọn đắp túi trà hoa cúc lên chỗ nhiệt miệng trong vài phút hoặc súc miệng bằng trà hoa cúc. Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chữa nhiệt miệng bằng hoa cúc dại Mỹ Echinacea
Hoa cúc dại Mỹ Echinacea có tác dụng chữa lành vết loét, nhiễm trùng nên được dùng khá phổ biến để trị một số bệnh nhiễm trùng và cả nhiệt miệng. Đối với phương pháp này, bạn có thể sử dụng như một loại nước súc miệng bằng cách pha echinacea với một lượng nước ấm vừa đủ, sử dụng 2-3 lần mỗi ngày.
Bã chè khô chữa nhiệt miệng hiệu quả
Chất tanin có trong bã chè khô sẽ làm giảm tình trạng sưng viêm, giảm đau từ đó giúp chữa nhiệt miệng nhanh chóng và hiệu quả. Bạn chỉ cần đắp trực tiếp túi lọc chè sau khi sử dụng lên vết loét trong vài phút sau đó làm sạch miệng bằng nước, thực hiện 2-3 lần/ngày.
Sử dụng bã chè khô chữa nhiệt miệng
Nước lá trầu không cải thiện tình trạng nhiệt miệng
Các vitamin và khoáng chất trong lá trầu không có tác dụng cân bằng pH và cung cấp chất dinh dưỡng cho nướu lợi. Nhờ đó, trầu không có tác dụng ngăn ngừa và giảm tình trạng nhiệt miệng cũng như làm dịu các triệu chứng khó chịu. Hãy rửa sạch, vò nát lá trầu không rồi đem nấu cùng nước sôi và sử dụng như một loại nước súc miệng.
Súc miệng hàng ngày
Đối với nhiệt miệng, các vết loét thường rất đau, khó chịu và dễ bội nhiễm vi khuẩn. Vì vậy súc miệng thường xuyên là việc làm cần thiết.
Ngoài việc súc miệng bằng nước muối sinh lý, bạn có thể sử dụng các các loại nước súc miệng chứa thành phần có hoạt tính như:
- Nước oxy già có chứa hydrogen peroxide giúp làm sạch vết loét và loại bỏ vi khuẩn.
- Nước súc miệng DGL: Chứa chiết xuất cam thảo có tác dụng kháng viêm.
- Nước súc miệng Sage: Chứa chiết xuất lá xô thơm có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm.
- Nước súc miệng chứa thành phần sáp ong, chiết xuất lá trầu không, cùi quả cau, vỏ rễ chay,...
Nên làm gì để phòng ngừa nhiệt miệng tái phát?
Nhiệt miệng là bệnh lý rất phổ biến và dễ tái phát. Vì vậy, để hiệu quả điều trị nhiệt miệng bền vững thì việc chú ý phòng ngừa bệnh tái phát đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, bạn cần:
- Lựa chọn các thực phẩm tốt cho sức khỏe, tránh đồ quá cay, quá mặn.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách.
- Giảm stress, giữ tinh thần ở trạng thái thoải mái.
- Cung cấp lượng nước cần thiết, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Trên đây là những thông tin về 10 cách chữa nhiệt miệng phổ biến nhất. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng để lại số điện thoại hoặc bình luận phía dưới, chúng tôi sẽ tư vấn sớm nhất.
>>>XEM THÊM: Vitamin PP chữa nhiệt miệng có hiệu quả không?
Link tham khảo:
https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/how-to-get-rid-of-canker-sores
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/mouth-ulcers
https://www.scielo.br/j/rbfar/a/L8p4TbmXVtpNJrzF395SyBB/?lang=en