Răng lung lay là vấn đề răng miệng khá phổ biến. Nó khiến người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn uống. Vậy răng lung lay làm sao để chắc lại? Cách ngăn ngừa và điều trị tình trạng này như thế nào cho hiệu quả? Nếu bạn có chung những thắc mắc trên thì đừng bỏ qua thông tin trong bài viết sau đây.
Nguyên nhân khiến răng lung lay
Răng lung lay ở người trưởng thành ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn uống, chất lượng cuộc sống,… Nếu không được điều trị, răng có thể bị rụng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vậy, nguyên nhân nào khiến răng lung lay?
- Bệnh nướu răng: Bệnh nướu răng còn được gọi là viêm nha chu, xảy ra do viêm và nhiễm trùng nướu răng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng chủ yếu là do việc vệ sinh răng miệng kém. Theo một báo cáo tại Hoa Kỳ thì khoảng 50% dân số từ 30 tuổi trở lên mắc bệnh nướu răng. Tình trạng này là do việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, khiến mảng bám trên răng hình thành, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở và gây viêm, khiến nướu bị tụt, cấu trúc răng trở nên lỏng lẻo, răng dễ lung lay. Ngoài ra, bệnh còn khiến nướu sưng đỏ, chảy máu chân răng kèm theo mùi hôi miệng khó chịu.
- Mang thai: Thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi rất lớn, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ hormone estrogen và progesterone, ảnh hưởng đến xương cũng như mô trong miệng. Điều này làm thay đổi nha chu, bao gồm xương và dây chằng có chức năng hỗ trợ răng, giúp giữ cho chúng ở đúng chỗ. Điều này khiến răng bị lung lay. Ngoài ra, bà bầu thường bị viêm lợi, chảy máu chân răng. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì tình trạng trên sẽ được cải thiện sau khi sinh con.
- Răng bị tổn thương: Ngoài các nguyên nhân trên, tình trạng răng không chắc khỏe còn đến từ việc răng của bạn bị tác động một lực lớn hoặc va đập do tai nạn. Điều này có thể khiến răng và mô xung quanh bị ảnh hưởng, răng sứt mẻ, lung lay, thậm chí mất răng. Ngoài ra, một số người có thói quen nghiến răng, từ đó làm bề mặt răng bị mòn và lung lay.
- Loãng xương: Đây là bệnh khiến xương bị suy yếu và trở nên giòn xốp, lung lay. Khi đó, ngay cả những va chạm nhỏ và các tác động bình thường trong cuộc sống cũng có thể dẫn đến gãy xương.
Bị răng lung lay làm sao để chắc lại?
Hiện nay, có nhiều cách giúp răng của bạn chắc lại sau khi bị lung lay. Chỉ cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng trên sẽ có hướng xử trí phù hợp và hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp điều trị răng lung lay thường được áp dụng:
- Răng lung lay do va đập, chấn thương: Với nguyên nhân này, răng có thể tự hồi phục và chắc khỏe trở lại mà không cần điều trị. Bạn chỉ cần có chế độ chăm sóc răng miệng sạch sẽ để tránh vi khuẩn gây viêm nhiễm cho nướu và răng. Ngoài ra, súc miệng với nước muối hàng ngày giúp loại bỏ vi khuẩn, làm nướu mau hồi phục và giảm đau nhức cho bạn.
- Răng bị lung lay do viêm nướu: Trước tiên, bạn cần loại bỏ mảng bám trên răng, sau đó, hãy điều trị bệnh bằng nhiều phương pháp để giảm viêm, sưng và làm se khít chân răng, từ đó giúp răng bớt lung lay.
- Nếu răng lung lay do tiêu xương hoặc chấn thương khớp cắn thì bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung lượng xương bị thiếu hụt hoặc tiến hành nẹp răng. Cả hai phương pháp này đều cần thời gian để chân răng có thời gian hồi phục và chắc lại. Tuy nhiên, răng sau khi bị tổn thương sẽ khó phục hồi được như cũ.
- Nếu răng lung lay do sâu răng, đặc biệt tình trạng đã ăn vào tủy thì việc điều trị lấy tủy cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Khi tủy được làm sạch phần hoại tử thì việc răng bớt lung lay là điều hoàn toàn khả thi. Nhưng nếu tình trạng quá nặng, bạn sẽ cần phải nhổ bỏ răng.
Cách ngăn ngừa răng lung lay nhờ chế độ dinh dưỡng
Bên cạnh các giải pháp điều trị như ở trên, người bị răng lung lay cần tiến hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp với áp dụng chế độ ăn uống khoa học. Dưới đây là một số thực phẩm mà bạn nên bổ sung:
- Các loại trái cây giàu vitamin C: Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp duy trì nướu răng khỏe mạnh. Những người không hấp thụ đủ vitamin C hàng ngày có thể khiến nướu răng bị sưng và chảy máu, làm răng bị lung lay và yếu hơn. Do đó, bạn nên bổ sung trái cây có múi như cam, chanh, bưởi,… vào chế độ ăn uống hàng ngày.
- Sữa chua: Canxi trong sữa chua giúp cân bằng độ pH trong miệng, từ đó ngăn ngừa các lỗ hổng trên răng và giúp duy trì xương, răng chắc khỏe. Do đó, hãy bổ sung sữa chua vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.
- Trà đen: Đây là thảo dược giàu chất polyphenol, giúp ngăn chặn hoạt động của vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó ngăn ngừa sâu răng và các bệnh liên quan tới răng miệng khác.
- Nấm hương: Đây là thực phẩm tuyệt vời, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, đồng thời rất tốt cho răng. Chất lentinan trong nấm hương có thể ngăn chặn sự hình thành các mảng bám, do đó giúp bảo vệ răng miệng tránh khỏi các bệnh như viêm lợi, chảy máu chân răng, sâu răng, hôi miệng.
- Uống nhiều nước: Điều này giúp dưỡng ẩm cho lợi và thúc đẩy việc tiết nước bọt. Nó cũng làm sạch các mảnh thức ăn dư thừa bám trên bề mặt của răng, từ đó bảo vệ răng miệng khỏe mạnh.