Nhiệt miệng ở trẻ nhỏ là tình trạng khá phổ biến, tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu cho bé mỗi khi ăn uống hay nói chuyện. Vậy cụ thể tình trạng này xuất hiện ở trẻ nhỏ như thế nào? Làm sao để cải thiện nhanh chóng tại nhà mà vẫn đảm bảo an toàn cho con? Mời các bậc phụ huynh xem thêm bài viết sau để có thông tin cụ thể nhất!
Nhiệt miệng ở trẻ nhỏ là bệnh gì?
Viêm loét miệng hay nhiệt miệng ở trẻ nhỏ là những đốm trắng được bao quanh bởi một khu vực bị viêm, đỏ xuất hiện trên môi và nướu. Chúng gây đau đớn, khiến việc nói và nhai thức ăn của trẻ trở nên khó khăn hơn. Đôi khi, tình trạng này trở nên nghiêm trọng sẽ gây sốt với những vết loét sâu trên khoang miệng.
Trẻ bị nhiệt miệng thường có biểu hiện: Bỏ ăn, quấy khóc, không muốn chơi đùa; đôi khi còn có thể sốt cao hay nổi các hạch cổ do những nhiễm khuẩn trong niêm mạc miệng.
Nguyên nhân nào gây nên nhiệt miệng ở trẻ nhỏ?
Theo giới chuyên gia, có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này ở các bé. Có thể tổng hợp một số nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ em, chẳng hạn như:
- Bé mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm nấm hoặc một số virus như sởi, herpes, tay chân miệng,...
- Đôi khi do trẻ bị ngã hay lỡ cắn vào niêm mạc má, môi gây tổn thương và dẫn đến viêm loét.
- Thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, kẽm, sắt, các vitamin nhóm B như B3, B12,...
- Rối loạn hệ thống miễn dịch.
- Dị ứng thực phẩm.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng làm tình trạng này “bùng phát” ở trẻ nhiều hơn.
Các biện pháp cải thiện tình trạng nhiệt miệng ở trẻ nhỏ tại nhà
Nhiệt miệng không phải là bệnh lây nhiễm và nếu được phát hiện sớm thì tình trạng của trẻ sẽ được cải thiện bằng những phương pháp đơn giản tại nhà dưới đây:
1. Dùng mật ong
Nếu bé trên một tuổi, cha mẹ có thể sử dụng mật ong để điều trị nhiệt miệng cho con. Mật ong có đặc tính chống vi khuẩn tuyệt vời, giúp vết loét lành lại nhanh chóng. Bạn hãy thoa đều vào khu vực có vết loét cho con từ 3 - 4 lần trong ngày để có hiệu quả sớm.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong vì có thể gây ngộ độc.
2. Củ nghệ
Đây là một loại thảo dược vườn nhà được ứng dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý, trong đó có nhiệt miệng ở trẻ em. Đặc tính chống viêm, sát trùng và kháng khuẩn của nghệ giúp cải thiện hầu hết các vết thương. Để sử dụng dễ dàng, người ta thường trộn nghệ với mật ong và đắp một lớp mỏng lên nơi bị loét.
3. Dừa
Dừa được biết đến là một loại quả mát bổ, đồng thời rất có ích trong việc điều trị các tổn thương. Nước dừa và dầu dừa có tác dụng rất tốt cho trẻ nhỏ.
Bạn có thể cho con uống nước dừa, giữ cho con ngậm một lát để dịu bớt cơn đau. Hoặc nếu không chuẩn bị được, bạn chỉ cần bôi dầu dừa lên vùng niêm mạc miệng của con.
4. Sữa chua
Sữa chua và bơ sữa là “phương thuốc” tuyệt vời để điều trị loét miệng ở trẻ em. Cho bé ăn sữa chua hoặc bơ sữa và ngậm trong miệng sẽ giúp vết loét lành lại sớm hơn, đồng thời bé cũng cảm thấy đỡ xót hay khó chịu vì tổn thương trong miệng. Ngoài ra, các sản phẩm từ sữa này chứa rất nhiều lợi khuẩn đường ruột, vừa giúp bé chống lại vi khuẩn có hại, vừa làm hệ thống miễn dịch của bé được nâng cao hơn.
5. Lá húng quế
Bạn có biết rằng, lá húng quế (tulsi) là một biện pháp hữu hiệu khác giúp hỗ trợ điều trị nhiệt miệng cho trẻ em. Trong lá húng quế chứa nhiều dược chất có khả năng kháng khuẩn, chống viêm rất tốt. Bạn có thể cho bé nhai 4 - 5 lá cùng với nước ấm, ngậm trong miệng một lát và thực hiện 2 lần một ngày. Kiên trì thực hiện thì chỉ sau thời gian ngắn là bé sẽ không còn khó chịu vì vết loét nữa.
6. Nha đam
Nha đam cũng là một lựa chọn tuyệt vời giúp chữa lành vết loét miệng ở trẻ. Chất nhựa từ lá nha đam giúp chống vi khuẩn, giảm đau, làm dịu niêm mạc, đồng thời góp phần cải thiện sức khỏe của nướu. Cha mẹ có thể thoa đều nhựa nha đam lên vùng con bị nhiệt miệng hoặc hòa với chút nước và sử dụng để vệ sinh miệng 3 - 4 lần/ngày nhằm đạt kết quả tốt nhất.
7. Cam thảo
Cam thảo với tính mát, vị ngọt cũng là một vị dược liệu giúp trị nhiệt miệng cho trẻ rất tốt. Bạn có thể hòa 1 muỗng cà phê rễ cam thảo trong 50 - 100ml nước và cho con bạn súc miệng vài lần trong ngày để chữa lành vết loét. Nếu bạn có bột rễ cam thảo thì lựa chọn tốt nhất là trộn nó với một chút bột nghệ hoặc mật ong, sau đó bôi lên chỗ niêm mạc tổn thương. Khả năng chống viêm của cam thảo sẽ giúp giảm đau và sưng xung quanh vết loét. Ngay cả trong trường hợp bị nhiệt miệng rất nặng, bạn cũng sẽ thấy hiệu quả tốt, các vết thương hở bớt sưng đỏ và nhanh chóng liền lại.