Hơi thở có mùi hôi là điều chẳng ai muốn gặp phải nhưng có thể “ghé thăm” bạn bất cứ lúc nào mà không báo trước. Do vậy, ngoài vệ sinh răng miệng hàng ngày, việc tăng cường sức khỏe nướu lợi là vô cùng quan trọng để sớm khắc phục và ngăn ngừa biểu hiện này tái phát. Để có thông tin cụ thể, mời bạn tham khảo ngay nội dung bài viết sau đây!
Hơi thở có mùi hôi là như thế nào?
Hơi thở có mùi hôi (hay hôi miệng) là tình trạng tương đối phổ biến, có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Tình trạng này thường xuất phát từ cuống họng hay khoang miệng, nhận thấy rõ khi bạn nói chuyện hoặc ăn uống. Tuy không phải là triệu chứng nguy hiểm nhưng mùi khó chịu từ hơi thở sẽ khiến bạn gặp nhiều bất tiện trong giao tiếp, từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến công việc và những mối quan hệ trong xã hội.
Làm sao để biết bạn có bị hôi miệng hay không?
Nhiều người không hề biết mình gặp phải tình trạng hơi thở có mùi cho đến khi nhận thấy sự khác lạ từ phản ứng của những người xung quanh. Bởi vậy, việc tự kiểm tra hơi thở cũng rất quan trọng để bạn có phương án khắc phục nhanh chóng.
Cách đơn giản nhất chính là đẩy hơi thở ra từ miệng vào lòng bàn tay và ngửi chúng, tuy nhiên, cách làm làm này khó cho kết quả chính xác vì có thể bạn đã quen với mùi cơ thể và khó nhận biết được sự khác biệt.
Một cách khác, bạn hãy liếm vào phần mu bàn tay, đợi cho nước bọt khô rồi ngửi để kiểm tra.
Nếu vẫn chưa chắc chắn thì bạn có thể nhờ người nhà hoặc bạn bè thân thiết góp ý giúp mình. Tuy hơi ngại ngùng nhưng vẫn còn hơn khi gặp đối tác mà “phả” ra mùi hương không mấy dễ chịu phải không nào!
Nguyên nhân nào khiến hơi thở có mùi hôi?
Trên thực tế, hơi thở có mùi hôi do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Dưới đây là một số lý do thường gặp:
- Vệ sinh răng miệng kém:
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị hôi miệng. Khi răng miệng không được làm sạch sẽ tạo nên môi trường lý tưởng cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển, sinh sôi và gây nên mùi khó chịu khi phân hủy những thức ăn thừa. Nếu không giải quyết kịp thời, tình trạng này rất có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, dẫn tới các bệnh lý răng lợi như: Viêm nướu, viêm nha chu, ảnh hưởng xương ổ răng,...
- Khô miệng: Nước bọt là thành phần giúp làm sạch khoang miệng thường xuyên. Do đó, nếu tuyến nước bọt giảm tiết (do cơ địa hoặc tác dụng phụ khi dùng một số loại thuốc như: Kháng histamin, thuốc điều trị tăng huyết áp, chống sốt rét,...) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tăng sinh và khiến bạn bị hôi miệng.
- Thực phẩm: Những đồ ăn nhiều chất béo, giàu protein khi được tiêu thụ có thể tạo ra sản phẩm khí ảnh hưởng đến mùi hơi thở. Các gia vị có mùi “nặng” như: Hành, tỏi,... cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ gặp phải tình trạng hôi miệng.
- Các chất kích thích như: Rượu bia, thuốc lá, cà phê,... là những thủ phạm hàng đầu trong danh sách các tác nhân gây hôi miệng.
- Bên cạnh đó, một số bệnh lý như: Nhiễm trùng mũi họng, viêm loét dạ dày gây trào ngược, viêm ruột, viêm đại tràng,... cũng là nguyên nhân của chứng hôi miệng, hay tiểu đường, các bệnh khác về gan, thận cũng có nguy cơ dẫn đến tình trạng này.
Phương pháp khắc phục chứng hơi thở có mùi hôi hiện nay
Để “đánh bay” hơi thở có mùi hôi, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây:
Chăm sóc răng miệng thường xuyên
- Hãy đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sử dụng bàn chải đầu lông mềm, kết hợp dùng chỉ nha khoa, dung dịch súc miệng để loại bỏ tối đa mảng bám tồn tại trên răng. Cùng với đó, bạn nên thực hiện vệ sinh răng miệng chuyên sâu 6 tháng/lần để làm sạch và phát hiện sớm những tổn thương trong niêm mạc miệng.
Thay đổi lối sống
- Tích cực bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin C, D, E,... và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe răng miệng như: Cam, bưởi, dứa, cà chua, bông cải xanh,...
- Hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, tẩm ướp nhiều hành, tỏi; Giảm tiêu thụ những thực phẩm có chứa carbohydrate tinh chế như: Bánh ngọt, kẹo, kem,...
- Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày để ngăn ngừa khô miệng. Có thể nhai kẹo cao su không đường để làm tăng tiết nước bọt khi có cảm giác khô miệng.
Điều trị bệnh
Tổn thương trong khoang miệng (viêm nướu, chảy máu chân răng, viêm nha chu,...) cần được giải quyết sớm để khắc phục tình trạng hôi miệng. Biện pháp bằng đông y, tây y đều áp dụng được nhằm giảm nhanh các triệu chứng sưng đau. Trong trường hợp viêm nặng và lan rộng, bạn có thể được chỉ định thực hiện thủ thuật để loại bỏ hết phần tổn thương.
Tương tự, các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa,... cũng cần được điều trị triệt để nhằm khắc phục tận gốc chứng hôi miệng.