Hở chân răng có thể gây ra tình trạng ê buốt và đau nhức. Nếu không điều trị, có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác. Bài viết sau đây sẽ đưa ra nguyên nhân và triệu chứng của tình trạng hở chân răng cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Hở chân răng là gì?
Hở chân răng (hay tụt lợi) là tình trạng chân răng lộ rõ do lợi mất dần hoặc lợi di chuyển sâu vào chân răng. Lâu ngày, tình trạng này sẽ khiến chân răng yếu đi, có nguy cơ mất răng cũng như mất thẩm mỹ và đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng.
Hình ảnh hở chân răng
Dấu hiệu của hở chân răng
Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp khi bị hở chân răng. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng hở chân răng.
- Nướu mềm: Nếu chân răng bị hở, bạn có thể thấy nướu mềm, đau và chảy máu khi đánh răng.
- Răng trông dài hơn: Răng có thể trông dài hơn bình thường nếu đường viền nướu bị tụt xuống.
- Sưng và đau: Có thể xuất hiện tình trạng đau buốt và sưng tấy nếu dây thần kinh hoặc tủy răng của bạn bị nhiễm trùng.
- Nhạy cảm: Đánh răng cũng như khi ăn thức ăn nóng, lạnh, chua có thể gây ê buốt.
- Răng bắt đầu lung lay hoặc có thể rụng răng.
Nguyên nhân thường gặp gây hở chân răng
Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp gây hở chân răng:
Bệnh nướu răng: Vệ sinh răng miệng kém thường gây ra bệnh nướu răng. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn ở mảng bám phát triển, xâm nhập vào khoảng trống giữa răng và nướu gây nhiễm trùng. Khi bị viêm nướu nặng, xương nâng đỡ xung quanh răng tụt xuống và gây hở chân răng.
Tổn thương khoang miệng: Những tổn thương ở khoang miệng có thể làm gãy và xê dịch răng, khiến cho chân răng lộ rõ.
Di truyền: Gia đình có tiền sử mắc các bệnh về răng miệng sẽ di truyền cho thế hệ sau nếu không được điều trị kịp thời. Di truyền cũng là một nguyên nhân thường gặp gây hở chân răng.
Nguyên nhân khác: Bệnh nướu răng là lý do phổ biến gây hở chân răng, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ như:
- Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển viêm nướu răng, thúc đẩy tình trạng tụt nướu.
- Nghiến răng: Tạo ra áp lực làm mòn nướu răng.
- Răng mọc lệch.
- Sâu răng.
Một số nguyên nhân thường gặp gây hở chân răng
Cách khắc phục hở lợi chân răng hiệu quả
Một số cách khắc phục tình trạng hở lợi chân răng như sau:
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Với tình trạng hở chân răng nhẹ, không gây đau nhức, ê buốt, vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp khắc phục. Cụ thể:
- Sử dụng bàn chải lông mềm để tránh mài mòn nướu răng. Dùng bàn chải lông cứng sẽ gây đau đớn nếu chân răng bị lộ và có thể khiến nướu viêm nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng kem đánh răng giải mẫn cảm: Đánh răng thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương răng rất hiệu quả. Kem đánh răng giải mẫn cảm sẽ giúp làm dịu cơn đau, cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Chải răng đúng cách: Đánh răng với áp lực nhẹ, không nhấn quá mạnh khi chải răng.
Thủ thuật nha khoa
Với trường hợp hở chân răng nặng, kéo dài thì bạn nên đến cơ sở y tế để được nha sĩ khám và chữa trị kịp thời. Một số thủ thuật nha khoa thường được áp dụng như:
- Cạo vôi răng: Nếu tình trạng hở chân răng là do vệ sinh răng miệng kém thì nha sĩ sẽ có thể cạo vôi răng để làm sạch kỹ lưỡng hơn.
- Bôi nhựa liên kết vào chân răng: Với tình trạng tụt nướu răng nặng hơn, nha sĩ sẽ bọc phần chân răng bị lộ giúp chân răng khỏi hư hại và giảm đau. Tuy nhiên, nhựa liên kết sẽ không hiệu quả nếu tình trạng tụt nướu quá nặng. Khi đó, nha sĩ có thể ghép nướu.
- Ghép nướu răng: Tình trạng tụt nướu tiến triển, nha sĩ sẽ ghép nướu để che đi phần chân răng bị hở.
Cạo vôi răng, ghép nướu được áp dụng khi hở chân răng nặng, kéo dài
Khắc phục hở chân răng bằng phương pháp thiên nhiên
Các biện pháp cải thiện tình trạng hở chân răng tự nhiên cũng được nhiều người ưa chuộng bởi tính an toàn và hiệu quả. Một số cách thường được áp dụng là:
Dùng muối khắc phục tình trạng hở chân răng
Dùng muối là cách vừa đơn giản lại hữu dụng bởi đây là nguyên liệu luôn có sẵn trong nhà. Muối có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, giúp làm dịu tình trạng viêm nướu. Súc miệng nước muối hàng ngày giúp khắc phục tình trạng hở chân răng rất tốt.
Bí quyết trị hở chân răng tại nhà bằng trà xanh
Trong trà xanh có chứa catechin - một chất giúp củng cố liên kết giữa lợi và răng, cải thiện tình trạng hở chân răng hiệu quả. Sử dụng nước trà xanh súc miệng hàng ngày hay uống trà xanh sẽ giúp cải thiện hở chân răng từng ngày. Không chỉ vậy, việc kiên trì sử dụng trà xanh cũng giúp hơi thở có mùi thơm dễ chịu, sảng khoái.
Mẹo cải thiện tình trạng hở chân răng bằng sáp ong
Sáp ong có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, giúp khắc phục các vấn đề về răng miệng rất hiệu quả. Nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng, sáp ong giúp ức chế các loại vi khuẩn, virus, nấm trong khoang miệng. Từ đó áp dụng thành công trong kiểm soát các bệnh về răng miệng như viêm lợi, tụt nướu.
Sáp ong giúp cải thiện tình trạng hở chân răng cực hiệu quả
XEM THÊM: 9 cách chữa tụt lợi nhanh chóng, an toàn - có thể bạn sẽ cần
Bị tụt lợi hở chân răng có nguy hiểm không?
Hầu hết mọi người đều cho rằng tình trạng hở chân răng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tình trạng này không được điều trị sớm, đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, đặc biệt có thể gây mất răng.
Ngoài ra, hở chân răng cũng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Tụt lợi hở chân răng sẽ khiến thức ăn thường xuyên bám vào kẽ răng, lâu ngày làm răng yếu đi, dễ ê buốt. Hở chân răng lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho viêm nướu, viêm quanh răng tiến triển.
Cách ngăn ngừa tình trạng hở chân răng
Dưới đây là một số cách giúp bạn ngăn ngừa tình trạng hở chân răng tại nhà:
- Kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên: Thường xuyên đến nha khoa giúp xác định các dấu hiệu sớm của bệnh nướu răng hoặc tụt lợi.
- Tránh thuốc lá, ăn đồ quá mặn, quá chua.
- Đánh răng và dùng chỉ nha khoa: Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên đánh răng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa 1 lần mỗi ngày.
- Sử dụng bàn chải lông mềm hoặc chải răng nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương nướu và làm lộ chân răng.
- Tránh nghiến răng: Đeo miếng bảo vệ miệng có thể hữu ích nếu bạn nghiến răng khi ngủ.
Một số cách phòng tránh tình trạng hở chân răng
Hở chân răng khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu xuất hiện tình trạng hở chân răng, bạn nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tình trạng hở chân răng không phải lúc nào cũng có thể phát hiện, đặc biệt nếu răng mọc chen chúc bởi các răng khác. Vì lý do này, bạn nên đến gặp nha sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Ê buốt, đau khi ăn thực phẩm lạnh, nóng.
- Đau khi đánh răng.
- Nướu thường xuyên chảy máu.
- Đau dữ dội không đáp ứng với thuốc giảm đau.
- Xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng.
Hở chân răng có thể gây ê buốt, đau nhức dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Điều trị sớm và đúng cách sẽ giảm nguy cơ mắc biến chứng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy bình luận hoặc ghi lại số điện thoại bên dưới phần bình luận để được chuyên gia giải đáp.