Nhắc đến hơi thở hôi có lẽ nguyên nhân đầu tiên mà chúng ta nghĩ tới đó là vệ sinh răng miệng không đúng cách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của viện Răng Hàm Mặt Trung ương thì có tới 90% người có hơi thở hôi là do viêm lợi.
Tại sao viêm lợi lại gây ra hơi thở hôi?
Theo thống kê, tỷ lệ người dân Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng rất cao. Đặc biệt, bệnh viêm lợi, viêm quanh răng – đây là những lý do phổ biến khiến cho hơi thở của bạn có mùi. Mức độ hơi thở hôi tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của bệnh viêm lợi.
Lợi là một trong những tổ chức xung quanh răng, bao gồm phần niêm mạc ôm quanh răng. Lợi khỏe săn chắc, có màu hồng nhạt, khi bị viêm lợi chuyển sang màu đỏ do bị vi khuẩn “tấn công”. Lúc đầu khi mới bị viêm, lợi sưng đỏ, phồng lên và có thể chảy máu khi có tác động, nhất là lúc đánh răng. Giai đoạn này bệnh chưa ảnh hưởng đến chân răng và các tổ chức quanh răng. Ở giai đoạn này, bệnh được chữa trị dễ dàng nhưng cũng hay tái phát. Khi lợi đã bị viêm mà không chữa trị và chăm sóc răng miệng đúng cách, lớp lợi bên trong cùng với xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giữ lại cùng với vi khuẩn sẽ tạo thành những túi mủ, chính những túi mủ xung quanh chân răng là nơi phát ra mùi hôi.
Khi bị viêm lợi, viêm quanh răng dù bạn có đánh răng 4 – 5 lần/ ngày cũng không thể loại bỏ mùi hôi miệng. Nhiều trường hợp, tình trạng bệnh diễn biến nặng do không điều trị sớm, lợi chảy máu quá nhiều khi đánh răng kèm theo hơi thở hôi, mùi “kinh khủng” mới đi khám. Khi ấy, bác sĩ phải làm thủ thuật hút hết mủ, người bệnh mới thấy quanh răng, lợi bị lõm xuống vì các mô đã bị vi khuẩn phá hủy.
Biến chứng của viêm lợi ít ai biết đến
Viêm lợi nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm nha chu, ảnh hưởng đến mô và xương bên - Một tình trạng nghiêm trọng hơn viêm lợi rất nhiều, có thể dẫn đến mất răng. Viêm lợi mạn tính được cho là có liên quan đến một số bệnh hệ thống như bệnh đường hô hấp, tiểu đường, bệnh mạch vành, đột quỵ và viêm khớp dạng thấp. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, vi khuẩn gây viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu của bạn qua mô lợi, ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Phụ nữ mang thai mà bị viêm nha chu sẽ có nhiều khả năng sinh non. Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm lợi thường có cân nặng lúc ra đời thấp hơn những đứa trẻ có mẹ với răng lợi khỏe mạnh.