Hôi miệng là chứng bệnh khiến bất cứ ai không may gặp phải cũng cảm thấy xấu hổ, tự ti và họ sẽ trở nên khép kín, ngại giao tiếp với tất cả mọi người. Nhắc đến hơi thở hôi, đa số chúng ta sẽ nghĩ đến những bệnh lý về răng miệng, tuy nhiên, còn có một nguyên nhân nữa cũng khá phổ biến gây ra chứng hôi miệng, đó là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hãy cùng tìm hiểu vì sao căn bệnh này lại gây ra chứng hôi miệng qua bài viết dưới đây nhé!
Tại sao trào ngược dạ dày thực quản lại gây hôi miệng?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày trào thành từng đợt thường xuyên lên thực quản. Các thành phần có trong dịch vị như HCL, dịch mật, pepsine… gây kích thích và tổn thương lên niêm mạc thực quản kèm theo đó là mùi tanh, hôi thối khó chịu.
Nguyên nhân gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản là do cơ vòng của thực quản bị trục trặc. Bình thường cơ vòng giống như một cái van tạo thành rào cản giữa thực quản và dạ dày của bạn. Nó chịu trách nhiệm kiểm soát lượng thức ăn trong dạ dày của bạn và mở ra mỗi khi bạn nuốt thức ăn để cho thức ăn đi vào dạ dày, sau đó đóng chặt. Khi cơ vòng bị trục trặc, nó sẽ luôn mở, cho phép các chất dịch dạ dày trào ngược lên thực quản và thoát ra đường miệng sẽ có mùi hôi rất khó chịu và kèm theo đó là mùi thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn cũng sẽ được đưa ra ngoài qua đường miệng tạo thành mùi hôi miệng. Đôi lúc miệng bạn sẽ có cảm giác chua chua, đắng đắng hoặc có mùi tanh, hôi đó là từ dịch dạ dày. Chất dịch chứa axit trong dạ dày khi trào ngược lên thực quản sẽ gây ra tình trạng viêm thực quản và kèm theo các triệu chứng khó chịu như: Nóng rát cổ, ợ nóng, ợ chua, gây hôi miệng, thường xuyên buồn nôn, nôn, đau tức ngực, đau thượng vị, khó nuốt,… và viêm họng, viêm amidan – cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hôi miệng. Lý giải về việc tại sao trào ngược dạ dày thực quản lại gây ra mùi hôi các chuyên gia cho rằng có 3 cơ chế chính sau:
- Khi bị trào ngược axit dạ dày, các hạt thực phẩm có thể đi lên xa như cổ họng, do đó các hạt thực phẩm đang bị phân hủy này phủ bên trong cổ họng, miệng và thanh quản của bạn. Khi bạn thở, không khí đi qua cổ họng và kéo theo mùi hôi, thối khó chịu.
- Trào ngược axit thường làm tăng chất nhầy ở mặt sau cổ họng của bạn. Tích tụ chất nhầy ở phía sau lưỡi của bạn có thể là nguồn gốc của mùi hôi thối, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và làm trầm trọng hơn tình trạng hôi miệng.
- Cuối cùng, axit dạ dày làm tổn thương niêm mạc thực quản, niêm mạc họng gây viêm amidan, viêm amidan hốc mủ và góp phần gây ra mùi hôi miệng khi chúng bị phân hủy.
Điều trị hôi miệng do trào ngược dạ dày, thực quản như thế nào?
- Chế độ ăn uống
Trước tiên bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế ăn chua cay nóng hoặc các thực phẩm có mùi khó chịu cũng có thể góp phần làm giảm mùi hơi thở hôi. Nếu bạn muốn có một hệ tiêu hóa trơn tru và liền mạch, hãy xem xét việc cung cấp các thực phẩm giàu chất xơ. Các loại thực phẩm này không chỉ làm giảm khả năng trào ngược và tắc nghẽn xảy ra mà còn chống lại hơi thở hôi.
- Thuốc điều trị trào ngược dạ dày, thực quản
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà từ đó, phác đồ điều trị là khác nhau. Điều trị khỏi trào ngược dạ dày thực quản, tình trạng hôi miệng của bạn cũng được cải thiện. Đối với điều trị nội khoa, các bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị bằng các loại thuốc có khả năng trung hòa axit, ức chế cơ thể bơm proton. Thuốc có khả năng giảm triệu chứng cũng như tình trạng viêm loét tại thực quản. Với những trường hợp điều trị nội khoa nhưng không đạt kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định sang phương pháp phẫu thuật.