Sau khi bọc răng sứ bị hôi miệng là tình cảnh không ít người gặp phải khi thực hiện phương pháp nha khoa thẩm mỹ này. Tuy nhiên, hầu như ai cũng thắc mắc tại sao mình gặp phải biểu hiện trên và làm cách nào để khắc phục nhanh chóng dù đã có hàm răng trắng sáng? Để có câu trả lời chi tiết, mời bạn tham khảo ngay những thông tin sau đây!
Bọc răng sứ là gì?
Bọc răng sứ là một kỹ thuật nha khoa hiện đại, tác động vào bề mặt ngoài của răng để “sửa chữa” một số vấn đề và tạo hình lại, giúp răng đạt được thẩm mỹ về hình dáng cũng như màu sắc trắng sáng.
Đa số các trường hợp bọc răng sứ thường áp dụng trong các trường hợp:
- Men răng bong tróc, ố vàng nặng không thể khắc phục được.
- Răng bị nứt, vỡ, sứt mẻ do chấn thương hay tác động mạnh, sâu răng nghiêm trọng, răng thưa, hở kẽ khiến thức ăn dễ mắc ở vị trí này và khó làm sạch.
- Răng bị hô, móm.
- Răng có hình dạng không đẹp.
- Kết hợp với phương pháp cấy ghép implant (trồng răng giả) trong trường hợp bị mất răng sớm hoặc tiêu xương ổ răng.
Nhờ có phương pháp này, rất nhiều người đã lấy lại sự tự tin trong cuộc sống với hàm răng trắng sáng tự nhiên.
Bọc răng sứ bị hôi miệng do nguyên nhân nào?
Trên thực tế, có khá nhiều người gặp phải tình trạng hơi thở có mùi hôi sau một thời gian bọc răng sứ. Vậy nguyên nhân do đâu?
- Trường hợp phần bọc sứ không được thực hiện đúng kỹ thuật, khiến chúng không khít với răng thật, làm cho thức ăn dễ mắc phải, đồng thời việc làm sạch khó khăn. Từ đó, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phân hủy, gây nên mùi khó chịu.
- Chất liệu làm răng không đảm bảo hoặc có thể do cơ địa của bạn nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi tác nhân lạ (thường là vật liệu kim loại), dẫn đến phản ứng viêm loét trong miệng và gây nên hôi miệng.
- Bên cạnh đó, nướu, lợi không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, khi bị tác động bởi các yếu tố ngoài môi trường, trong đó có kỹ thuật nha khoa, sẽ trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn. Ngoài ra, nếu vệ sinh răng miệng không đúng cách, đặc biệt ở vị trí bọc răng sứ khiến vi khuẩn có cơ hội tấn công nướu, lợi và sinh ra mùi khó chịu.
- Đôi khi, cũng có thể do bạn mắc một số bệnh lý trong cơ thể như: Nhiễm khuẩn đường hô hấp, trào ngược dạ dày, tiểu đường mạn tính,... hoặc đang trong thời kỳ mang thai, giai đoạn tiền mãn kinh,... làm cho răng miệng tăng nguy cơ viêm nhiễm và kéo theo hơi thở có mùi.
Cách khắc phục tình trạng hơi thở có mùi sau khi bọc răng sứ
Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp cho quá trình khắc phục tình trạng bọc răng sứ bị hôi miệng hiệu quả hơn. Dưới đây là một số phương pháp cụ thể giúp bạn cải thiện tình trạng này:
- Nếu có cảm giác đau nhức, khó chịu, hoặc nhai khó, ghê răng,... hãy tới ngay cơ sở nha khoa để kiểm tra và chỉnh sửa lại phần bọc răng sứ.
- Trường hợp bị viêm đường hô hấp, đau dạ dày,... bạn cần điều trị dứt điểm tình trạng này thì mùi hơi thở sẽ được cải thiện nhanh chóng.
- Tại nhà, cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng chứa flour, không nên chà quá mạnh vào vị trí bọc răng vì có thể ảnh hưởng đến độ ổn định của vùng này. Nên kết hợp dùng chỉ nha khoa và súc miệng sau khi ăn để ngăn ngừa sự tích tụ của thức ăn thừa hay mảng bám, giảm nguy cơ viêm nhiễm trong miệng.
- Tránh ăn những món quá cứng hay khô. Trong những ngày đầu sau khi bọc răng, nên chế biến các thực phẩm thành dạng mềm, dễ nhai nuốt để tránh làm tổn thương răng, nướu.
- Hạn chế đồ ăn cay, nóng, nhiều đường, muối, chiên rán nhiều dầu mỡ,... Tăng cường hoa quả, rau củ chứa nhiều vitamin (A, C, E,...) và khoáng chất (canxi, phospho,...) không chỉ giúp răng, lợi chắc khỏe mà còn giúp loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng tốt hơn.
- Bạn cũng có thể tham khảo một số mẹo đơn giản, giúp loại bỏ mùi hôi miệng nhanh chóng:
+ Dùng tinh dầu bạc hà: Với mùi thơm đặc trưng và khả năng kháng khuẩn, làm sạch tốt, bạn có thể lấy vài giọt tinh dầu bạc hà, nhỏ vào 1 cốc nước, khuấy đều rồi đem súc miệng hàng ngày. Thực hiện liên tục trong 5 - 7 ngày, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể.
+ Sử dụng gừng: Đây cũng là một loại thảo dược vườn nhà khá hiệu quả với bệnh răng lợi và chứng hơi thở có mùi. Bạn hãy chuẩn bị 1 củ gừng, rửa sạch, thái lát nhỏ mỏng và thả vào ấm nước sôi. Để một thời gian cho gừng ra tinh chất, sau đó dùng làm trà uống trong ngày hoặc cũng có thể đem súc miệng sẽ giúp hơi thở của bạn không còn mùi hôi.
+ Uống nước trà xanh: Với đặc tính sát khuẩn, giảm viêm, trà xanh có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện mùi hôi miệng, đặc biệt sau quá trình bọc răng sứ. Bạn chỉ cần lấy một nắm lá “bánh tẻ” (không quá non hay quá già), đem rửa sạch, hãm nước uống hàng ngày. Chỉ sau khoảng 1 tuần, tình trạng hơi thở có mùi sẽ được khắc phục hiệu quả.