Chế độ ăn uống không khoa học, không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hôi miệng. Vậy bạn có biết, bị hôi miệng nên ăn gì và không nên ăn gì để tránh hôi miệng không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau.
Nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng
Nguyên nhân phổ biến nhất gây hôi miệng xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng kém, dễ hình thành các mảng bám tích tụ trên răng và dần dần hình thành cao răng quanh cổ răng và nướu răng. Cao răng chính là nguyên do dẫn đến hàng loạt các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, viêm quanh răng rất nguy hiểm. Ngoài ra, hôi miệng còn do các bệnh lý toàn thân như gan, thận, bệnh dạ dày,…hoặc do tình trạng khô miệng gây nên, hoặc do sử dụng các thực phẩm có mùi cũng khiến cho tình trạng hôi miệng trở nên nghiêm trọng hơn.
3 loại thực phẩm người bị hôi miệng không nên ăn
Một số thực phẩm khi được sử dụng làm gia vị sẽ khiến món ăn thơm ngon và hấp dẫn hơn, nhưng nó lại có thể gây ra mùi hôi khó chịu trong hơi thở. Dưới đây là một số loại thực phẩm bạn nên tránh nếu không muốn hôi miệng “tấn công”.
- Hạn chế các thực phẩm dễ gây mùi như hành, hành muối, tỏi, dưa muối, các loại hoa quả, rau củ có mùi mạnh như sầu riêng, củ cải,... Sau khi tiêu hóa các loại thực phẩm này sẽ ngấm vào dạ dày và máu, gây mùi hôi qua đường thở.
- Hạn chế các loại thực phẩm như thịt, cá, mỡ, phô mai… chứa nhiều đạm, khó tiêu hóa và dễ sinh mùi hôi miệng. Những thực phẩm này cũng dễ mắc vào các kẽ răng, nếu không được loại bỏ, vi khuẩn gây hôi miệng sẽ tấn công, phân hủy thức ăn và sinh ra mùi hôi miệng.
- Hạn chế uống rượu, bia, cà phê,… bởi đây cũng là lý do khiến hơi thở của bạn có mùi khó chịu.
3 loại thực phẩm người bị hôi miệng nên ăn
Nếu không may bị hôi miệng “ghé thăm”, bạn nên ăn thực phẩm chứa nhiều tinh bột vào bữa sáng, trưa và nên sử dụng thức ăn giàu protein vào buổi tối. Vậy bị hôi miệng nên ăn gì? Dưới đây là 3 loại thực phẩm người hôi miệng nên ăn để giúp cải thiện tình trạng hôi miệng.
- Các loại rau quả như xà lách, cần tây, dưa chuột,… là những loại thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng để ngăn chặn và làm sạch mảng bám, trung hòa axit trong miệng. Dâu tây, táo hay mía làm tăng bài tiết nước bọt, làm sạch mảng bám trên răng và giúp cho hơi thở thơm tho hơn. Các chất có trong táo và dâu tây cũng có tác dụng kích thích lợi hoạt động tốt và tẩy sạch các chất sót lại từ thức ăn.
- Trà xanh: Trong thành phần của trà xanh có chứa polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ và ngăn ngừa các mảng bám trên răng, giảm hôi miệng. Ngoài ra, trong trà xanh còn chứa fluoride giúp bảo vệ lớp men răng, diệt khuẩn, chống sâu răng. Uống trà xanh hàng ngày là một trong những cách làm giảm hôi miệng khá hiệu quả.
- Sữa chua nguyên chất không đường có tác dụng làm giảm lượng chất hydrogen sulphide – thủ phạm gây ra chứng hôi miệng. Axit lactic có trong sữa chua có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giảm sự hình thành mảng bám và bệnh lý về răng miệng từ đó giúp giảm mùi hôi miệng hiệu quả.
Hạn chế hôi miệng bằng cách nào?
Hôi miệng đang cản trở giao tiếp, sự thăng tiến trong công việc và các mối quan hệ của bạn? Hãy thực hiện ngay những biện pháp sau, hôi miệng sẽ không còn có thể gây phiền toái cho bạn nữa.
Thay đổi chế độ ăn uống
Thay đổi chế độ ăn uống là điều đầu tiên cần làm để ngăn chặn và làm giảm mùi hôi miệng. Hạn chế sử dụng các thực phẩm có mùi đặc trưng, thực phẩm giàu đạm, nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gây hôi miệng đáng kể.
Vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày giúp loại bỏ thức ăn thừa bám vào kẽ răng, loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng từ đó ngăn chặn nguy cơ vi khuẩn sinh sôi và phát triển, giảm hình thành mảng bám cao răng,… từ đó cải thiện hôi miệng hiệu quả. Bạn cần thực hiện đầy đủ các bước vệ sinh răng miệng sau:
- Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng, tối hoặc sau bữa ăn.
- Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa sau bữa ăn.
- Sử dụng dung dịch nha khoa sau mỗi bữa ăn.
Hải Đăng