Viêm tủy răng cấp tính không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho người mắc mà còn tiềm ẩn mối nguy hiểm lớn hơn với sức khỏe răng miệng và toàn cơ thể. Bởi vậy, rất nhiều người quan tâm đến vấn đề phải làm sao để khắc phục tình trạng này nhanh chóng mà hiệu quả? Nếu bạn có cùng thắc mắc trên, hãy theo dõi ngay bài viết sau đây để có câu trả lời cụ thể!
Thế nào là viêm tủy răng cấp tính?
Tủy răng là một tổ chức quan trọng, nằm phía trong men răng và ngà răng, bao gồm rất nhiều bó sợi thần kinh và mao mạch. Chúng đóng vai trò là nguồn nuôi dưỡng cho toàn bộ ngà răng, đồng thời tiếp nhận và dẫn truyền cảm giác nóng, lạnh, đau, buốt,... Buồng tủy ở vị trí thân răng, còn ống tủy chạy dọc phần chân đến chóp răng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng viêm tủy răng cấp tính nếu phát hiện bệnh muộn hoặc điều trị sai cách, trong khi đó, nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài, chúng có thể trở thành bệnh mạn tính rất khó điều trị khỏi hoàn toàn.
Một số triệu chứng điển hình của viêm tủy răng cấp tính là:
- Ban đầu chưa có dấu hiệu rõ ràng, thường sẽ xuất hiện những cơn đau nhức âm ỉ (giai đoạn viêm tủy có hồi phục), tuy nhiên, sau đó, người mắc có thể phải chịu những đợt ê buốt dữ dội, lan nhanh sang vùng nướu bên cạnh, có khi đau tới đỉnh đầu.
- Lợi sưng đỏ, sẫm màu, ấn nhẹ vào thấy mềm.
- Hình thành túi mủ quanh răng.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Răng trở nên nhạy cảm với đồ ăn, nước uống, đặc biệt là thực phẩm nóng, lạnh, chua, cay,...
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguy cơ “chết” tủy khiến răng mất cảm giác, bên cạnh đó có khả năng hoại tử, gây viêm nhiễm cả các tế bào nướu xung quanh, ảnh hưởng tới cả cấu trúc răng, gây tiêu xương, làm hỏng răng vĩnh viễn.
- Bên cạnh đó, một số trường hợp còn bị sốt cao, nổi hạch cổ, sưng má,... ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và sức khỏe của người mắc.
Tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia nhận thấy rằng, có rất nhiều yếu tố dẫn đến hình thành viêm tủy răng cấp tính, chẳng hạn như: Nhiễm độc (chì, thủy ngân...), chấn thương, nhiễm khuẩn răng miệng nặng,... Tuy nhiên, về sâu xa, do tế bào răng, nướu không được cung cấp đủ dinh dưỡng, khiến chúng kém bền chắc, khó chống chịu trước tác động của những yếu tố gây hại trong môi trường, nên dễ bị tổn thương, sưng viêm.
Phải làm sao khi bị viêm tủy răng cấp tính?
Tùy thuộc vào mức độ viêm tủy răng cấp tính mà người mắc sẽ được điều trị theo các phác đồ cụ thể.
Giai đoạn viêm tủy có hồi phục
Lúc này, các triệu chứng mới ở mức nhẹ, nên bạn có thể sử dụng thuốc để nhanh chóng kiểm soát các triệu chứng. Các chuyên gia thường chỉ định: Kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm đau để ngăn ngừa những biểu hiện tiến triển nặng hơn.
Giai đoạn viêm tủy răng cấp tính:
Biểu hiện đau nhức dữ dội, viêm nướu, chảy máu chân răng,... xuất hiện liên tục mà dùng thuốc không khắc phục được, thì bạn cần tới ngay các phòng khám nha khoa để thực hiện điều trị tủy. Trước hết, các chuyên gia sẽ tiến hành gây tê, sau đó hút sạch phần tủy viêm ra ngoài, sau đó sẽ tạo hình và lấp đầy buồng tủy trống. Khi làm thủ thuật xong, những cơn đau do viêm tủy răng cấp tính trước đây sẽ dần mất đi, phản xạ ăn nhai cũng dần trở lại bình thường.
Ngoài ra, người mắc cần đặc biệt chú ý đến quá trình chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa tình trạng này quay trở lại:
- Bạn hãy đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đừng quên dùng chỉ nha khoa và súc miệng sau khi ăn. Nên lựa chọn các dung dịch có nguồn gốc từ thảo dược, vừa giúp làm sạch răng nướu hiệu quả mà an toàn, không gây kích ứng.
- Nên chế biến thức ăn dưới dạng mềm, như cháo, súp,... để tránh làm tổn thương răng vừa lấy tủy.
- Hạn chế các thức ăn dai, cứng, đồ chiên rán hay cay nóng. Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... bạn cũng nên tránh xa.
- Tăng cường rau xanh, trái cây, các loại nước ép,... giúp bổ sung đa dạng dinh dưỡng cho cơ thể.
Thanh Hà