Viêm loét miệng (áp-tơ) là tổn thương trong niêm mạc miệng khiến người mắc vô cùng khó chịu, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Nhận biết sớm các triệu chứng và khắc phục đúng cách sẽ giúp bạn hạn chế được những tác động xấu đến sức khỏe. Cùng tham khảo những thông tin ngay sau đây bạn nhé!
Viêm loét miệng (áp-tơ) là gì?
Viêm loét miệng (áp-tơ) là những đốm tổn thương hình tròn hay oval, thường xuất hiện ở mặt trong má, môi, trên hoặc dưới lưỡi, tại nướu,... có màu vàng nhạt hoặc đỏ sẫm.
Tình trạng này được phân chia thành 3 loại chính:
- Dạng nhỏ: Chiếm trên 90% các trường hợp bị viêm loét miệng (áp-tơ), đường kính vết loét thường dưới 1cm, có thể lành lại sau 7-10 ngày, không để lại sẹo.
- Dạng lớn: Tổn thương khá sâu, kích thước thường rộng từ 1 - 3cm, có thể kéo dài tới 6 tuần và dễ để lại sẹo.
- Dạng herpes: Đây là thể ít gặp nhất, với mật độ tổn thương dày đặc, có thể lên tới vài chục vết loét nhỏ.
Những tổn thương này đều khiến người mắc rất đau đớn, gặp khó khăn trong việc ăn uống hay nói chuyện, gây cản trở sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày. Bên cạnh đó, còn có thể đi kèm những biểu hiện như: Chảy máu chân răng, hôi miệng, sưng nướu,...
Đâu là nguyên nhân gây viêm loét miệng (áp-tơ)?
Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh viêm loét miệng (áp-tơ), chúng ta thấy rằng, có rất nhiều yếu tố khiến tình trạng này khởi phát. Cụ thể:
- Yếu tố di truyền: Khoảng 40% các trường hợp bị viêm loét miệng có tiền sử gia đình đều mắc bệnh này.
- Tổn thương nhẹ bên trong miệng, chẳng hạn như: Vết bỏng, vết cắn trong khi ăn, làm răng thẩm mỹ không vừa vặn, hay đánh răng quá mạnh.
- Dị ứng hoạt chất sodium lauryl sulfate: Trong một số loại kem đánh răng và nước súc miệng chứa thành phần này có thể khiến vết loét khó lành lại, làm tổn thương tiến triển nghiêm trọng hơn.
- Một số thực phẩm và đồ uống, bao gồm: Cà phê, sô cô la, trứng, pho mát, các thực phẩm có tính axit hoặc cay nóng, hay thói quen hút thuốc thường xuyên cũng là tác nhân phổ biến gây loét miệng.
- Sự thiếu hụt một số vitamin, khoáng chất, chẳng hạn như: Kẽm, vitamin B12, folate, sắt,... làm cho niêm mạc miệng dễ tổn thương, viêm nhiễm.
- Căng thẳng kéo dài: Dù không trực tiếp gây ra viêm loét miệng (áp-tơ) nhưng điều này làm tăng “cơ hội” phát triển của chúng và có thể ảnh hưởng đến quá trình làm lành vết thương.
- Một số loại thuốc cũng có liên quan đến sự tiến triển của vết loét, ví dụ như: Thuốc trị đau thắt ngực, chống trầm cảm,...
- Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, hay mắc một số bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch cũng khiến miệng có nguy cơ cao bị loét áp-tơ.
Nếu tình trạng viêm loét miệng (áp-tơ) không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến bội nhiễm, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn và dễ tái phát.
Khắc phục viêm loét miệng (áp-tơ) bằng cách nào?
Ngay khi có những biểu hiện ban đầu, bạn cần áp dụng các biện pháp kiểm soát vết loét, đồng thời tăng cường dinh dưỡng cho niêm mạc miệng, để chúng khỏe mạnh từ bên trong, hạn chế viêm loét miệng (áp-tơ) tiến triển nặng hơn.
- Dùng thuốc: Bạn có thể sử dụng thuốc bôi tại chỗ, kết hợp với thuốc uống như kháng sinh, chống viêm theo chỉ dẫn của chuyên gia. Có thể bổ sung thêm chế phẩm uống chứa vitamin B12, vitamin D, kẽm cũng có thể làm giảm loét miệng.
- Súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn: Điều này sẽ giúp kiểm soát vết loét, ngăn ngừa nhiễm trùng rộng hơn. Để đảm bảo an toàn, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược là biện pháp được rất nhiều người lựa chọn hiện nay, bởi thực tế, các chất sát khuẩn hóa học có thể gây bỏng rát, phồng rộp miệng, khiến tổn thương nặng hơn.
- Có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh để giảm sưng, giảm đau nhức trong đợt cấp. Bạn hãy chườm đá hoặc đá viên lên vùng bị ảnh hưởng để giảm sưng.
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt, sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh làm tổn thương nặng hơn.
- Tránh thức ăn cứng, dai có thể làm xước bên trong miệng.
- Giảm căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý.