Chảy máu chân răng là tình trạng mà hầu hết chúng ta đều có thể gặp phải một vài lần trong đời. Nhiều người cho rằng đây chỉ là biểu hiện nhẹ mà ít người tìm hiểu cách khắc phục kịp thời, nhưng trên thực tế, triệu chứng này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe răng miệng. Để hiểu rõ hơn, mời bạn tham khảo ngay nội dung sau đây!
Chảy máu chân răng là tình trạng như thế nào?
Chảy máu chân răng là tình trạng tổn thương trên nướu, lợi, thường do mảng bám gây nên. Đây là nơi cư trú lý tưởng và tạo điều kiện cho vi khuẩn “hoành hành”, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Vì không gây đau đớn nên nhiều trường hợp không hề biết mình đang bị chảy máu chân răng, họ chỉ phát hiện ra tình trạng này khi cảm nhận được vị tanh nhẹ trong miệng.
Chảy máu chân răng xảy ra do đâu?
Chảy máu chân răng có thể gặp phải bởi những lý do đơn giản như: Chải răng quá mạnh, ăn đồ cứng,... nhưng không ít trường hợp, tình trạng này lại cảnh báo cơ thể bạn đang gặp một số bệnh khác, bao gồm:
- Viêm nướu: Nướu chảy máu là dấu hiệu của tình trạng viêm với biểu hiện đặc trưng: Nướu thường bị kích thích, đỏ, sưng và có thể chảy máu khi đánh răng.
- Viêm nha chu: Nếu bạn không điều trị kịp thời viêm nướu, nó có thể dẫn đến bệnh viêm nha chu. Điều này sẽ làm hỏng mô và hệ xương nâng đỡ răng, khiến nướu bị viêm nặng, tổn thương và tụt khỏi chân răng. Lúc này, răng có thể dễ dàng lung lay và rơi ra. Hơn nữa, viêm nha chu còn khiến hơi thở của bạn có mùi hôi.
- Giảm tiểu cầu: Nếu nướu bị chảy máu kéo dài và không có dấu hiệu dừng lại, có thể sẽ dẫn đến giảm tiểu cầu.
- Thiếu vitamin C: Vitamin C giúp mô răng của bạn phát triển bình thường, đồng thời nhanh lành tổn thương, củng cố xương và răng của bạn. Nếu cơ thể không có đủ vitamin C sẽ dẫn đến sưng và chảy máu ở nướu, dẫn đến bệnh scurvy - liên quan đến sự thiếu hụt dinh dưỡng, làm giảm sức đề kháng của cơ thể và chảy máu chân răng - là dấu hiệu điển hình của bệnh này.
- Thiếu vitamin K: Vitamin K giúp đông máu và tốt cho xương. Nếu chế độ ăn uống hoặc cơ thể bạn không hấp thụ tốt loại vitamin này sẽ gây ra vấn đề chảy máu, trong đó có ở chân răng.
- Bệnh tiểu đường: Nướu chảy máu hoặc sưng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2. Khi mắc phải tình trạng này, khả năng chống lại tác nhân gây hại như virut, vi khuẩn của cơ thể rất yếu ớt, vì thế càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả nướu răng. Hơn nữa, lượng đường trong máu cao khiến tổn thương khó lành, làm bệnh nướu răng trở nên tồi tệ hơn.
- Bệnh bạch cầu (ung thư máu): Nướu chảy máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh bạch cầu. Tiểu cầu trong máu có tác dụng cầm máu. Nếu bạn bị bệnh bạch cầu, số lượng tiểu cầu giảm xuống, khiến cho việc cầm máu khó khăn hơn ở mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả nướu răng.
Ngoài ra, thay đổi nội tiết (dậy thì, mang thai,...) hoặc người đã thực hiện xạ trị cũng có thể gây ra tình trạng này.
Cách chữa chảy máu chân răng hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chảy máu chân răng mà bạn sẽ lựa chọn các biện pháp hỗ trợ điều trị phù hợp.
Với các bệnh nhiễm khuẩn răng miệng, bạn nên điều trị bằng thuốc để chặn đứng các viêm nhiễm từ gốc. Những lựa chọn bao gồm: Thuốc kháng sinh, chống viêm, thực phẩm tăng cường sức đề kháng,... Ngoài ra, bạn nên kết hợp với những biện pháp sau để chữa chảy máu chân răng đạt hiệu quả cao.
- Chăm sóc răng miệng đúng cách: Bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng bàn chải phù hợp với khuôn miệng, đầu lông mềm và cố gắng chải răng theo hình tròn để làm sạch khắp bề mặt răng mà không gây tổn thương nướu. Ngoài ra, sau khi ăn, hãy dùng chỉ nha khoa để loại bỏ hết thức ăn thừa, kết hợp với súc miệng nước muối hoặc bằng các dung dịch chuyên dụng để giúp khoang miệng được làm sạch tối ưu.
- Tốt nhất, bạn nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần để loại bỏ các mảng bám trên răng hiệu quả, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày giúp hạn chế khô miệng, để từ đó miệng sẽ thực hiện được hoạt động làm sạch tự nhiên.
- Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin như C, K, hay khoáng chất canxi, magie để ngăn ngừa chảy máu chân răng hiệu quả. Bạn có thể sử dụng: Cam, bưởi, táo, chuối, bông cải xanh, cải bina,... Tăng cường các loại ngũ cốc nguyên hạt hay cá sẽ giúp bổ sung nhiều chất chống oxy hóa, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm gây chảy máu chân răng.
- Hạn chế đồ ăn cay nóng, ngừng hút thuốc lá, hạn chế dùng rượu, bia để tránh kích ứng nướu, lợi.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, lo âu sẽ giúp cho tình trạng bệnh của bạn nhanh chóng cải thiện và ít tái phát hơn.