Sử dụng kháng sinh để điều trị viêm quanh răng được không? Bệnh viêm quanh răng (hay còn gọi là bệnh nha chu) gây tổn thương lợi, các dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xương răng. Viêm quanh răng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây đau, hôi miệng, thậm chí dẫn đến mất răng, ảnh hưởng xấu đến việc tiêu hóa, phát âm và thẩm mỹ.
Nguyên nhân gây viêm quanh răng là gì?
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn 90% dân số Việt Nam bị viêm quanh răng. Vậy nguyên nhân gây viêm quanh răng là gì mà bệnh lại phổ biến đến vậy?
- Yếu tố bên ngoài
Các yếu tố bên ngoài có thể gây viêm quanh răng bao gồm các mảng bám trên răng, cao răng, vệ sinh răng miệng không tốt. Mảng bám trên răng là một màng mềm phủ lên mặt răng và lợi, nơi chứa đựng rất nhiều loại vi khuẩn. Nguy hiểm hơn cả là vi khuẩn kỵ khí gram âm và xoắn khuẩn gây ra các tổn thương ở lợi và quanh răng.
- Yếu tố bên trong
Suy dinh dưỡng, thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin C), thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, thai nghén và cho con bú, hay người mắc bệnh mạn tính như bệnh nội tiết, bệnh về máu, ung thư, người có sức để kháng yếu,… đều là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm quanh răng.
Viêm lợi, viêm quanh răng là 2 bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý về răng lợi. Có thể hiểu đơn giản là viêm quanh răng là tình trạng nặng của viêm lợi.
Ở chứng viêm lợi, tình trạng viêm chỉ xảy ra trên bề mặt lợi, không lan sâu xuống rãnh lợi, khe quanh răng và xương răng. Bệnh có thể làm tổn thương lợi, hình thành các túi lợi giả, chảy máu chân răng khi ăn thức ăn cứng hoặc khi xỉa răng. Nhìn thấy lợi sưng và đỏ, viêm lợi nếu không được điều trị sẽ trở thành mạn tính và chuyển thành viêm quanh răng.
Đối với viêm quanh răng, tổn thương không chỉ khu trú ở vùng lợi mà nó còn lan sang các phần khác như dây chằng quanh răng và xương răng. Hậu quả nghiêm trọng nhất do tình trạng này gây ra đó là răng sẽ bị lung lay và rụng. Ngoài biểu hiện đau, sưng lợi người mắc còn có biểu hiện hôi miệng, ấn vuốt lợi từ dưới chân răng lên thấy có mủ, nhìn bằng mắt thấy răng dài và thưa, lung lay, nhai thức ăn khó khăn hơn.