Viêm tủy răng có mủ là một trong những bệnh nhiễm khuẩn răng miệng nguy hiểm, không chỉ gây đau đớn dữ dội mà còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn trạng nếu không được điều trị kịp thời. Để hiểu rõ thêm về bệnh lý này và cách khắc phục hiệu quả, bạn hãy tham khảo ngay thông tin sau đây!
Thế nào là bệnh viêm tủy răng có mủ?
Tủy răng là thành phần quan trọng trong cấu trúc răng, chứa các bó mạch thần kinh, mạch máu và mô liên kết, giúp cung cấp dinh dưỡng cho răng, đồng thời có vai trò nhận cảm (truyền tín hiệu về cảm giác nóng, lạnh, đau đớn,...), tạo ngà răng bao quanh để bảo vệ mô tủy.
Bệnh viêm tủy răng có mủ chính là tình trạng nhiễm trùng mô tủy và tế bào quanh răng, với những biểu hiện đặc trưng là:
- Đau nhức dữ dội, kéo dài thành đợt hoặc từng cơn, cường độ tăng dần theo thời gian.
- Sưng nướu, chân răng dễ chảy máu, hơi thở có mùi khó chịu.
- Túi mủ viêm xuất hiện nhiều trên nướu.
- Nhạy cảm với đồ ăn, thức uống nóng, lạnh.
- Một số trường hợp còn bị sốt cao, sưng hạch,...
Những biểu hiện ban đầu thường khá nhẹ, dễ nhầm lẫn với các bệnh răng miệng khác nên người mắc có thể bỏ qua và không điều trị kịp thời. Điều này sẽ dẫn đến một số biến chứng như: Hoại tử tủy, ảnh hưởng tới xương ổ răng, khiến răng lung lay, nguy cơ mất răng cao.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng có mủ là gì?
Trên thực tế, viêm tủy răng có mủ xuất phát từ nguyên nhân “gốc rễ” là việc cung cấp dinh dưỡng cho nướu, lợi không đầy đủ, khiến việc hình thành ngà răng và men răng không đảm bảo, từ đó dễ dẫn đến tổn thương, viêm nhiễm sâu trong răng, nướu.
Bên cạnh đó, một số tình trạng sau đây góp phần khiến viêm tủy răng có mủ hình thành nhanh hơn:
- Sâu răng: Vi khuẩn tấn công răng tạo thành lỗ sâu có thể xuyên qua lớp men răng, tới ngà răng, vào đến tủy và tấn công tại đây.
- Viêm nha chu: Tổn thương nướu nghiêm trọng, đồng thời tiến sâu vào ổ răng sẽ khiến tủy bị ảnh hưởng.
- Nhiễm chất độc hại (như thủy ngân, chì,...).
- Chấn thương do thực hiện một số thủ thuật khoan, trám răng ở vị trí khác,...
- Thói quen ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm có vị chua mạnh,... cũng khiến men răng dễ bị ăn mòn.
Cách khắc phục tình trạng viêm tủy răng có mủ hiện nay
Với tình trạng viêm tủy răng có mủ, bạn sẽ được chỉ định sử dụng thuốc và thực hiện thủ thuật riêng lẻ hay kết hợp. Trước đó, bạn sẽ được chẩn đoán cụ thể về vị trí và tình trạng tổn thương qua phim chụp X-quang.
Điều trị bằng thuốc
Để giảm nhanh triệu chứng và ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng, các nhóm thuốc thường được sử dụng là:
- Kháng sinh: Spiramycin và metronidazol là những kháng sinh răng miệng phổ biến, có hiệu quả không chỉ với viêm tủy răng có mủ mà còn nhiều bệnh nhiễm trùng răng miệng khác. Ngoài ra, một số nhóm kháng sinh khác cũng được lựa chọn sử dụng tùy trường hợp và mức độ tổn thương như: Beta-lactam, cyclin,...
- Thuốc chống viêm: Giúp làm giảm triệu chứng sưng - nóng - đỏ - đau do viêm tủy có mủ. Bạn có thể sử dụng nhóm chống viêm dạng men như alpha - chymotrypsin hoặc corticoid theo chỉ định từ chuyên gia.
- Thuốc giảm đau: Dùng khi cơn đau nhức không thể kiểm soát. Paracetamol, ibuprofen,... là các hoạt chất được lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, cần chú ý liều dùng và tác dụng phụ trên cơ thể để tránh những rủi ro khi sử dụng.
- Thực phẩm bổ sung: Thường chứa vitamin C, rutin, khoáng chất như canxi, magie, nhằm ngăn ngừa sung huyết nướu và tủy răng, đồng thời giúp răng nướu chắc khỏe hơn.
Thực hiện thủ thuật
Phụ thuộc vào tình trạng cụ thể mà chuyên gia sẽ áp dụng phương pháp phù hợp:
- Trước hết, người mắc sẽ được gây tê tại vị trí tổn thương.
- Tiến hành khoan tới vị trí tủy răng, bơm rửa sạch hoàn toàn ống tủy, buồng tủy, loại bỏ túi mủ viêm.
- Hàn trám bít ống tủy bằng vật liệu phù hợp.
Sau khi được xử trí, người bị viêm lợi có mủ cần kiêng ăn uống trong 4 - 5 giờ để vị trí hàn trám được ổn định.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần thực hiện các biện pháp chăm sóc răng miệng nhằm ngăn ngừa tổn thương tái phát:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng chứa flour, chọn loại bàn chải có độ mềm vừa phải. Dùng chỉ nha khoa sau khi ăn và súc miệng bằng dung dịch chuyên dụng giúp làm sạch răng miệng tối đa, ngăn ngừa vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng.
- Lựa chọn và chế biến thực phẩm thành dạng mềm, dễ nhai nuốt, tránh đồ ăn quá cứng khiến răng có nguy cơ tổn thương trở lại.
- Bổ sung hoa quả, rau củ giàu vitamin (A, C, E,...) và khoáng chất (canxi, magie, phospho,..) giúp tăng cường độ bền chắc cho răng, nướu.
- Uống nước thường xuyên nhằm hạn chế khô miệng. Có thể nhai kẹo cao su không đường để tăng cường sản xuất nước bọt.
- Hạn chế tối đa các thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều đường, giúp hạn chế nguy cơ viêm tủy quay trở lại.
- Không hút thuốc lá, tránh dùng rượu, bia và những chất kích thích khác nhằm hạn chế kích ứng răng miệng.