Viêm nha chu là bệnh lý răng miệng khá nguy hiểm, bởi nếu kéo dài có thể khiến bạn mất răng vĩnh viễn, gây ra nguy hại khôn lường tới sức khỏe. Nhiều người thắc mắc, không biết diễn tiến và triệu chứng của bệnh viêm nha chu ra sao? Để có được câu trả lời xác đáng giúp bạn sớm nhận biết dấu hiệu của viêm nha chu, mời bạn đọc tham khảo các thông tin hữu ích có trong bài viết sau.
Các giai đoạn viêm nha chu
Viêm nha chu là bệnh lý liên quan đến các mô quanh răng. Có thể hiểu đơn giản, đó là tình trạng nướu bị vi khuẩn tấn công, khi nướu bị tách dần ra khỏi chân răng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lan sâu xuống các cấu trúc bên dưới của mô, gây hiện tượng viêm nha chu. Bệnh viêm nha chu tiến triển theo 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn viêm nướu
Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh viêm nha chu. Bệnh có nguyên nhân chủ yếu là do cao răng - Đây là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn, phá hủy men răng, khiến nướu bị viêm nhiễm, sưng đỏ và rất dễ chảy máu. Giai đoạn này, bệnh còn ở mức nhẹ, chủ yếu là do việc vệ sinh răng miệng chưa tốt, dẫn đến cao răng tích tụ nhiều. Để chữa trị, bác sĩ chỉ cần lấy cao răng và hướng dẫn người bệnh cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.
- Giai đoạn tuột nướu và tiêu xương ở răng
Ở giai đoạn này, cao răng bám ngày càng nhiều và dày khiến cho chân bám của nướu lên bề mặt răng bị bong, nướu bị tuột khỏi cổ răng và chân răng. Tiếp đến sẽ khiến cho xương ổ răng bị tiêu hủy, hậu quả là việc bám giữ chân răng bị suy giảm khiến cho răng lung lay. Việc chữa trị ở giai đoạn này phức tạp hơn và răng khó trở lại khỏe mạnh như ban đầu vì xương ổ răng đã bị tiêu hủy, không thể tự bù lại như ban đầu.
- Giai đoạn viêm nha chu phá hủy
Do xương ổ răng đã bị tiêu hủy nên răng sẽ lung lay, nguy hại hơn là có thể gây mất răng vĩnh viễn. Giai đoạn này, bệnh đã rất nghiêm trọng nên việc điều trị trở nên khó khăn, dây chằng nha chu và xương ổ răng không thể phục hồi như ban đầu.
Dấu hiệu nhận biết viêm nha chu
Viêm nha chu là bệnh lý bắt nguồn từ bệnh viêm nướu, do vậy nhiều người thường chủ quan, đến khi phát hiện ra thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn viêm nha chu. Bạn có thể phân biệt viêm nha chu với các bệnh lý răng miệng khác dựa vào những biểu hiện sau:
+ Mùi hôi miệng rất khó chịu.
+ Vôi răng đóng nhiều ở cổ răng, thậm chí lan sâu vào nướu.
+ Nướu sưng đỏ, dễ chảy máu.
+ Trường hợp bệnh phát triển nặng, còn xuất hiện túi nha chu trên nướu.
+ Có cảm giác đau lợi khi nhai.
+ Răng lung lay và thưa dần, chân răng lộ ra ngoài do nướu bị tụt xuống.
+ Có hiện tượng nướu chảy mủ.
Viêm nha chu nguy hiểm như thế nào?
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đưa viêm nha chu vào một trong những các bệnh răng miệng nguy hiểm, dưới đây là 4 tác hại mà căn bệnh này gây ra khiến bạn nhất định phải có hướng xử lý kịp thời:
Lợi - nướu sưng to, đau buốt kéo dài
Các cơn đau nhức do sưng nướu răng luôn là cơn ác mộng kinh hoàng do viêm nha chu gây ra. Đôi khi là cơn đau âm ỉ hoặc nhức buốt đến tận óc. Không chỉ như vậy, nướu răng sưng to ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và ăn uống hàng ngày.
Hơi thở hôi thối
Viêm nha chu hình thành khiến răng bị nhiễm khuẩn, gây nên tình trạng hôi miệng. Ở giai đoạn nặng, hơi thở sẽ có mùi hôi tanh kèm theo khiến bạn mất tự tin nghiêm trọng trong quá trình giao tiếp hàng ngày.
Nguy cơ mất răng – tiêu xương răng
Bệnh viêm nha chu không có hướng điều trị sớm sẽ khiến nướu tách dần ra khỏi răng, lợi có mủ và phá hủy toàn bộ các mô nâng đỡ răng, gây lung lay và rụng răng.
Điều trị viêm nha chu theo giai đoạn
Mọi biện pháp điều trị viêm nha chu đều phải dựa trên tình trạng bệnh cụ thể. Bệnh càng điều trị sớm càng đơn giản và nhanh khỏi, nếu không được điều trị triệt để sẽ đi vào trạng thái mạn tính, tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trọng hơn.
Giai đoạn viêm nha chu nhẹ
Trường hợp này, cách chữa bệnh nha chu khá đơn giản, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc. Có một số loại thuốc trị nha chu tại chỗ như: Gel giảm đau, gel chống viêm Kamistad-Gel, viên ngậm chống nhiễm khuẩn Lemocin,… Ngoài ra, còn nhiều loại thuốc cho tác dụng tổng quát để trị các bệnh nhiễm trùng, kháng viêm, giảm đau trong các bệnh răng miệng như kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc corticoid.
Giai đoạn viêm nha chu nặng
Giai đoạn này không thể điều trị bằng cách uống thuốc thông thường. Với người bệnh xuất hiện những túi nha chu (ổ mủ), các nha sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị khẩn cấp. Tuy ổ mủ chỉ là cơn cấp tính của viêm nha chu, nhưng nếu để ổ mủ tồn tại lâu sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mạn tính, khiến cấu trúc bảo vệ răng ngày càng lỏng lẻo. Tùy thuộc vào tình trạng viêm nha chu mà sau đó, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp như: Chỉnh sửa, thay thế những cấu trúc bị vi khuẩn phá hủy; Cố định răng lung lay; Phẫu thuật cấy ghép mô, nướu răng. Bên cạnh đó, bạn cần giữ thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Đây là những bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc phòng tránh bệnh viêm nha chu xuất hiện và quay trở lại.
Loan Linh