Nhiệt miệng xảy ra khá phổ biến ở mọi lứa tuổi. Thông thường, bệnh không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, ở một số trường hợp có thể cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Vậy: “Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì?”. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là bệnh lý răng miệng phổ biến, đặc trưng bởi việc xuất hiện các vết loét trong miệng. Đa số trường hợp các vết loét thường nhỏ và nông, phát triển trên mô mềm hoặc nướu răng. Loét miệng thường gây đau đớn và khó chịu cho người mắc.
Một số ít trường hợp các vết loét miệng có thể lớn, sâu, loét kéo dài hoặc tái lại nhiều lần. Trong các trường hợp đó bạn nên theo dõi diễn biến của chúng và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì?
Trong một số trường hợp, hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của một số bệnh lý như bệnh Celiac, viêm ruột, hội chứng Behcet, bệnh lý miễn dịch hoặc HIV/AIDS.
Bệnh Celiac
Celiac còn gọi là bệnh ruột nhạy cảm với Gluten - một loại protein có trong lúa mì. Nếu bị bệnh Celiac, khi ăn lúa mì sẽ kích hoạt các phản ứng miễn dịch trong ruột non.
Các phản ứng miễn dịch gây ra triệu chứng đặc trưng của bệnh như đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, sút cân… đồng thời làm tổn thương niêm mạc ruột non dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Nhiệt miệng là một trong những triệu chứng không liên quan đến tiêu hóa đặc trưng của bệnh Celiac. Cơ chế gây nhiệt miệng ở bệnh nhân Celiac chưa rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, nó có thể liên quan đến sự thiếu hụt huyết thanh, sắt, axit folic và vitamin B12 do kém hấp thu.
Bệnh Celiac có thể gây ra tình trạng nhiệt miệng
Các bệnh viêm ruột
Nhiệt miệng có thể là dấu hiệu của bệnh lý viêm ruột, điển hình là hội chứng Crohn và viêm loét đại tràng. Các vết loét miệng ở bệnh nhân Crohn hoặc viêm loét đại tràng thường do:
- Tình trạng viêm trong cơ thể liên quan đến bệnh Crohn: So với các bệnh viêm ruột khác, hội chứng Crohn gây ra nguy cơ mắc nhiệt miệng cao nhất.
- Thiếu hụt vitamin và khoáng chất do viêm ruột gây kém hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh.
Hội chứng Behcet
Behcet là hội chứng hiếm gặp gây viêm mạch máu trên khắp cơ thể. Hội chứng Behcet được cho là rối loạn tự miễn, trong đó một số lỗi ở hệ thống miễn dịch khiến nó tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Một trong số các đích tấn công là tế bào niêm mạc miệng, gây ra vết loét miệng.
Trong hội chứng Behcet thường bắt đầu là các vết loét tròn nhô cao, sau đó tiến triển thành vết loét lớn gây đau đớn. Vết loét này có thể khỏi sau 3-4 tuần nhưng thường tái lại nhiều lần.
Các bệnh lý miễn dịch
Các bệnh lý miễn dịch khác như lupus ban đỏ hệ thống (SLE), gây ra lỗi trong hệ thống miễn dịch cũng dẫn đến nhiệt miệng với cơ chế tương tự.
Hội chứng suy giảm miễn dịch HIV/AIDS
Hội chứng suy giảm miễn dịch HIV/AIDS là bệnh lý do virus HIV gây ra. Khi mắc HIV/AIDS, virus sẽ tấn công các tế bào lympho T - tế bào miễn dịch quan trọng của cơ thể khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Lúc này, các tác nhân như vi khuẩn, virus sẽ dễ dàng tấn công và gây bệnh, trong đó có nhiệt miệng. Thống kê cho thấy, nhiệt miệng xuất hiện ở 70-90% số người mắc HIV. Trong một số trường hợp chúng cũng được xem là dấu hiệu của sự tiến triển thành hội chứng AIDS.
Virus HIV và hội chứng AIDS gây nhiệt miệng
Nhiệt miệng có nguy hiểm không?
Đa số trường hợp, bệnh nhiệt miệng có thể tự khỏi trong khoảng từ 1-2 tuần và không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, các vết loét miệng thường rất đau và gây nhiều bất tiện, đặc biệt là trong việc ăn uống. Nếu không được điều trị đúng cách, các vết loét cũng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, nếu nhiệt miệng là dấu hiệu của một trong các bệnh lý được đề cập ở trên, tình trạng có thể kéo dài và diễn biến nặng lên. Trong những trường hợp đó, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách.
Cách khắc phục nhiệt miệng hiệu quả
Hai phương pháp điều trị nhiệt miệng chính thường được chỉ định là dùng thuốc hoặc tự chữa tại nhà.
Đối với điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc điều trị nhiệt miệng trên thị trường hiện nay chủ yếu là thuốc giảm đau corticoid, thuốc tê lidocain, thuốc chứa thành phần Benzocaine, Fluocinonide, Hydrogen peroxide dưới dạng nước súc miệng hoặc bôi ngoài da.
Ngoài ra, trong trường hợp đáp ứng điều trị kém, bạn có thể được chỉ định thuốc uống Glucocorticoid, Colchicin hoặc Sucralfate. Tuy nhiên, các loại thuốc này đều có tác dụng dược lý mạnh nên khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ.
Tự chữa trị tại nhà: Bạn có thể sử dụng các loại dược liệu để chữa nhiệt miệng. Các dược liệu có tác dụng chữa nhiệt miệng hiệu quả thường dùng nhất là sáp ong, dầu dừa, hoa cúc, lá trầu không…
Các nghiên cứu đã chứng minh thành phần flavonoid trong sáp ong có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn rất hiệu quả. Vì vậy, sáp ong thường xuyên được sử dụng trong điều trị các bệnh lý răng miệng (nghiên cứu được thực hiện ở Brazil năm 2011). Bạn có thể dùng sáp ong để làm nước súc miệng, bôi trực tiếp lên vết loét hoặc tìm mua sản phẩm chứa các chiết xuất dược liệu trên để tiện sử dụng.
Sử dụng lá trầu không để chữa nhiệt miệng
Cách phòng tránh nhiệt miệng
Đối với các bệnh lý răng miệng, việc chú ý phòng tránh là vô cùng cần thiết. Bạn cần lưu ý:
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh, tránh các thức ăn dễ gây kích ứng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B12, acid folic, sắt, kẽm.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đều đặn.
- Tránh lo âu, stress.
Trên đây chúng tôi đã giải đáp thắc mắc: “Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì và đưa ra các cách chữa trị phổ biến nhất, hy vọng có thể cung cấp cho quý độc giả những thông tin cần thiết. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng để lại số điện thoại hoặc bình luận phía dưới, bạn sẽ nhận được tư vấn.