Bị viêm nha chu uống thuốc gì là mối quan tâm của rất nhiều người. Bởi ngay từ giai đoạn nhẹ, tình trạng này không chỉ làm sưng, viêm nướu, gây đau khi ăn hoặc hôi miệng, mà nghiêm trọng hơn, người mắc có thể bị mất răng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác khi bệnh chuyển biến nặng. Để có lời giải đáp chính xác bị viêm nha chu uống thuốc gì, mời bạn cùng theo dõi bài viết sau đây!
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm nha chu
Viêm nha chu là bệnh lý liên quan đến các mô quanh răng. Có thể hiểu đơn giản, đó là tình trạng nướu bị vi khuẩn tấn công, khi nướu bị tách dần ra khỏi chân răng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lan sâu xuống các cấu trúc bên dưới của mô, gây hiện tượng viêm nha chu. Bạn có thể phân biệt viêm nha chu với các bệnh lý răng miệng khác dựa vào những biểu hiện sau:
+ Mùi hôi miệng rất khó chịu.
+ Vôi răng đóng nhiều ở cổ răng, thậm chí lan sâu vào nướu.
+ Nướu sưng đỏ, dễ chảy máu.
+ Trường hợp bệnh phát triển nặng, còn xuất hiện túi nha chu trên nướu.
+ Có cảm giác đau lợi khi nhai.
+ Răng lung lay và thưa dần, chân răng lộ ra ngoài do nướu bị tụt xuống.
+ Có hiện tượng nướu chảy mủ.
Bệnh viêm nha chu tiến triển theo 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn viêm nướu
Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh viêm nha chu. Bệnh có nguyên nhân chủ yếu là do cao răng - Đây là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn, phá hủy men răng, khiến nướu bị viêm nhiễm, sưng đỏ và rất dễ chảy máu. Giai đoạn này, bệnh còn ở mức nhẹ, chủ yếu là do việc vệ sinh răng miệng chưa tốt, dẫn đến cao răng tích tụ nhiều. Để chữa trị, bác sĩ chỉ cần lấy cao răng và hướng dẫn người bệnh cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.
- Giai đoạn tuột nướu và tiêu xương ở răng
Ở giai đoạn này, cao răng bám ngày càng nhiều và dày khiến cho chân bám của nướu lên bề mặt răng bị bong, nướu bị tuột khỏi cổ răng và chân răng. Tiếp đến sẽ khiến cho xương ổ răng bị tiêu hủy, hậu quả là việc bám giữ chân răng bị suy giảm khiến cho răng lung lay. Việc chữa trị ở giai đoạn này phức tạp hơn và răng khó trở lại khỏe mạnh như ban đầu vì xương ổ răng đã bị tiêu hủy, không thể tự bù lại như ban đầu.
- Giai đoạn viêm nha chu phá hủy
Do xương ổ răng đã bị tiêu hủy nên răng sẽ lung lay, nguy hại hơn là có thể gây mất răng vĩnh viễn. Giai đoạn này, bệnh đã rất nghiêm trọng nên việc điều trị trở nên khó khăn, dây chằng nha chu và xương ổ răng không thể phục hồi như ban đầu.
Viêm nha chu nguy hiểm như thế nào?
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đưa viêm nha chu vào một trong những các bệnh răng miệng nguy hiểm, dưới đây là 4 tác hại mà căn bệnh này gây ra khiến bạn nhất định phải xử lý kịp thời:
Lợi - nướu sưng to, đau buốt kéo dài
Người xưa có câu: “Nhất đau mắt, nhì đau răng”- Các cơn đau nhức do sưng nướu răng luôn là cơn ác mộng kinh hoàng do viêm nha chu gây ra. Đôi khi là cơn đau âm ỉ hoặc nhức buốt đến tận óc. Không chỉ như vậy, nướu răng sưng to ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và ăn uống hàng ngày.
Hơi thở có mùi khó chịu
Viêm nha chu hình thành khiến răng bị nhiễm khuẩn, gây nên tình trạng hôi miệng. Ở giai đoạn nặng, hơi thở sẽ có mùi hôi tanh kèm theo khiến bạn mất tự tin nghiêm trọng trong quá trình giao tiếp hàng ngày.
Nguy cơ mất răng – tiêu xương răng
Bệnh viêm nha chu không có hướng điều trị sớm sẽ khiến nướu tách dần ra khỏi răng, lợi có mủ và phá hủy toàn bộ các mô nâng đỡ răng, gây lung lay và rụng răng.
Bị viêm nha chu uống thuốc gì?
Đối với trường hợp lợi bị viêm ở mức độ nhẹ có thể dùng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc có thể sử dụng để điều trị bệnh viêm nha chu như:
- Thuốc chữa viêm chân răng bằng đường uống: Tùy theo tình trạng và giai đoạn bệnh của mỗi người mà sử dụng sao cho phù hợp. Một số thuốc thường dùng là kháng sinh, kháng viêm và giảm đau.
- Thuốc bôi tại chỗ: Đây là thuốc chứa kháng sinh dùng để bôi trực tiếp vào vùng lợi đang bị viêm và có xu hướng dần chuyển sang viêm nha chu. Thuốc này thường có dạng gel, dạng dung dịch, dùng để súc miệng hoặc dạng sợi để đưa vào túi xung quanh răng.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa bệnh viêm lợi hình thành nha chu, ngoài việc dùng thuốc, tốt hơn hết, bạn nên kết hợp nhiều cách điều trị khác, trong đó, cần lưu ý về chế độ chăm sóc răng miệng hàng ngày:
- Làm sạch răng theo định kỳ.
- Sử dụng bàn chải mềm và thay bàn chải sau 3 - 4 tháng.
- Xem xét sử dụng bàn chải đánh răng điện có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc loại bỏ mảng bám và cao răng.
- Đánh răng hai lần một ngày hoặc nhiều hơn sau mỗi bữa ăn.
- Sử dụng nước súc miệng để giúp loại bỏ mảng bám giữa các răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng được thiết kế đặc biệt để làm sạch kẽ răng.
Thùy Linh