Áp xe nướu răng là một trong những tình trạng tổn thương răng miệng nguy hiểm nhất, bởi không chỉ khiến người mắc đau đớn dữ dội, mà bệnh còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và nhiều biến chứng khác, ảnh hưởng đến tính mạng. Bởi vậy, hiểu rõ tình trạng này sẽ giúp bạn phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Để có thông tin cụ thể, mời bạn tham khảo ngay những nội dung sau đây!
Áp xe nướu răng là gì?
Áp xe nướu răng là tình trạng nhiễm trùng nặng ở vùng nướu, thường xuất hiện khi bị viêm hốc răng, hay vỡ - thủng răng, khiến vi khuẩn có khả năng tấn công tế bào răng lợi mạnh mẽ.
Các triệu chứng khi bị áp xe nướu răng thường là:
- Sốt: Viêm nhiễm nặng tại răng nướu khiến người mắc có thể sốt cao từ 38-39oC, có khi lên tới 40oC, có thể kèm rét run từng cơn, mạch nhanh, rối loạn nhịp tim. Trong trường hợp này cần đề phòng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
- Sưng tấy nướu, lợi chuyển màu đỏ thẫm.
- Có ổ mủ lớn quanh răng.
- Đau nhức dữ dội, gây khó khăn khi ăn nhai.
- Hơi thở có mùi khó chịu.
- Cơ thể mệt mỏi, người li bì, có biểu hiện của nhiễm độc nặng, dẫn đến rối loạn ý thức, hôn mê. Hay một số trường hợp xuất hiện rối loạn hô hấp, gây khó thở ở mức độ khác nhau khi có viêm tấy rộng trong khoang miệng, áp xe thành họng, amidan,... làm tăng tiết dịch nhày che lấp đường thở.
Nguyên nhân gây áp xe nướu răng
Đây là tình trạng đáng báo động với sức khỏe răng miệng mà chúng ta không thể “ngó lơ”. Đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn đề này? Dưới đây là một số yếu tố thường gặp đã được ghi nhận:
- Vệ sinh răng miệng sai cách: Điều này khiến niêm mạc miệng, khe kẽ không được làm sạch tốt, làm tăng nguy cơ vi khuẩn sinh sôi và gây hại, dẫn đến các bệnh: Sâu răng, viêm lợi,... nếu không sớm kiểm soát rất dễ xảy ra biến chứng về răng miệng khác như: Áp xe nướu răng, viêm tủy, tiêu xương ổ răng,...
- Chế độ ăn chưa khoa học: Tiêu thụ nhiều đường (bánh, kẹo, nước có gas,...) hoặc thực phẩm chứa nhiều acid, ảnh hưởng không tốt tới men răng, dễ gây tổn thương răng miệng.
- Ở những người có hệ miễn dịch suy giảm do mắc đái tháo đường, ung thư,... khiến răng miệng trở nên nhạy cảm hơn, gây viêm nhiễm kéo dài và nghiêm trọng.
- Biến chứng khi răng số 8 mọc lệch gây nhiễm khuẩn “âm ỉ” vùng nướu xung quanh…
Nhưng về sâu xa, áp xe nướu răng hình thành là do sự thiếu hụt dinh dưỡng cho tế bào nướu, lợi, khiến chúng kém chắc khỏe, dễ bị tấn công bởi tác nhân vi khuẩn, virus từ môi trường, dẫn đến tổn thương, viêm nhiễm nghiêm trọng.
Điều trị áp xe nướu răng ra sao?
Do đây là tình trạng khá nghiêm trọng nên người mắc cần áp dụng sớm một trong những phác đồ dưới đây:
Điều trị tại chỗ
Phương pháp này sẽ giúp kiểm soát nhanh tổn thương và hạn chế biến chứng răng miệng xảy ra.
Tùy vị trí và mức độ tổn thương, các chuyên gia sẽ thực hiện theo quy trình sau:
- Đánh giá giai đoạn, kiểu tổn thương, mức độ nhiễm khuẩn tại chỗ, vị trí ổ mủ ở sâu hay nông, có nguy cơ lan rộng không.
- Sau đó sẽ tiến hành rạch tháo mủ: Trích nướu và loại bỏ triệt để những ổ mủ quanh răng, bên cạnh đó, cũng cần chú ý ảnh hưởng tới cấu trúc răng về sau.
Điều trị toàn thân
Để gia tăng hiệu quả cải thiện áp xe nướu răng, người mắc cần sử dụng:
- Kháng sinh: Tùy theo mức độ tổn thương và loại vi khuẩn gây bệnh mà người mắc sẽ được chỉ định loại kháng sinh phù hợp.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm giúp giảm triệu chứng đau nhức, sưng nề.
- Bổ sung vitamin, có thể truyền dịch nhằm tăng cường sức đề kháng và nhanh hồi phục.
Thanh Hà