Áp xe lợi trùm là một trong những tổn thương nghiêm trọng nhất, thường xuất hiện khi răng số 8 mọc lệch nhưng không được chăm sóc đúng cách, dẫn đến viêm nhiễm nặng. Vậy cụ thể đây là tình trạng như thế nào? Cách khắc phục ra sao? Mời bạn tham khảo ngay những thông tin sau để có lời giải đáp cụ thể!
Áp xe lợi trùm là gì?
Lợi trùm là vấn đề thường gặp khi răng số 8 bắt đầu mọc. Nhưng do đặc trưng xuất hiện sau cùng trong hệ răng nên chúng khó “trồi” lên thẳng hàng mà thường có xu hướng mọc lệch, mọc xiên, gây tổn thương vùng nướu xung quanh. Nếu có biện pháp chăm sóc kịp thời sẽ ngăn ngừa được nhiễm khuẩn lan rộng. Tuy nhiên, khi phát hiện muộn hoặc xử lý sai cách, viêm lợi trùm sẽ tiến triển thành áp xe lợi trùm.
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh này được ghi nhận như sau: Trước hết sẽ xảy ra viêm loét tại lợi, khiến nướu sưng tấy, chuyển màu đỏ thẫm, ấn vào thấy căng mọng, kèm theo đó là chân răng dễ chảy máu và hơi thở có mùi khó chịu. Tình trạng này tiến triển âm ỉ khiến người mắc đau nhức liên tục hoặc nhói từng cơn, không thể ăn uống bình thường. Sau một thời gian, người mắc thấy túi mủ trắng xuất hiện ở chân răng và ngày càng lan rộng, khiến lợi kém săn chắc, dễ tụt khỏi chân răng. Một số trường hợp còn bị sốt cao, nổi hạch, sưng phồng má làm mất thẩm mỹ. Viêm loét ngày càng lan rộng, gây đau đớn dữ dội, có khi sang cả răng bên cạnh, hoặc “ăn sâu” vào chân răng, nguy cơ tổn thương tới tủy, dẫn tới nhiễm trùng huyết nguy hiểm tới tính mạng.
Bởi vậy, bạn hãy chú ý các triệu chứng của bệnh răng miệng hoặc giai đoạn bắt đầu mọc răng “khôn” để ngăn ngừa áp xe lợi trùm tiến triển.
Điều trị áp xe lợi trùm như thế nào?
Để khắc phục nhanh chóng tình trạng áp xe lợi trùm, phác đồ thường được áp dụng là:
- Sử dụng thuốc: Với nhiễm khuẩn chưa nghiêm trọng, bạn có thể uống kháng sinh, kết hợp thuốc chống viêm và giảm đau để cải thiện triệu chứng kịp thời. Bên cạnh đó, nên súc miệng bằng các dung dịch chuyên dụng cũng sẽ giúp giảm bớt đau đớn và sát khuẩn cho nướu răng tốt hơn.
- Thực hiện tiểu phẫu: Khi các triệu chứng không thể kiểm soát bằng thuốc uống, các chuyên gia nha khoa sẽ tiến hành loại bỏ những mô tổn thương, làm sạch vùng chân răng và nhổ bỏ răng số 8 để ngăn chặn viêm nhiễm tiến triển, đồng thời hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tới tủy hay nhiễm khuẩn huyết.
Sau khi thực hiện các biện pháp trên, bạn cũng cần chú ý thực hiện các biện pháp chăm sóc răng miệng tại nhà nhằm ngăn ngừa tình trạng áp xe lợi trùm tái phát với những răng “khôn” khác:
- Vệ sinh khoang miệng thường xuyên bằng cách đánh răng sau khi ăn, nên dùng bàn chải mềm để tránh làm tổn thương nướu. Hãy dùng chỉ nha khoa kết hợp súc miệng sau khi ăn để làm sạch hết thức ăn thừa trong khe kẽ, hạn chế tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế ăn các thực phẩm cứng, dai, giảm tiêu thụ đồ chiên rán, thức ăn nhanh, rượu, bia, thuốc lá,... hay những chất kích thích khác cũng cần tránh xa bởi đây cũng là tác nhân xấu với sức khỏe răng miệng. Tăng cường rau xanh, trái cây giàu vitamin và các chất chống oxy hóa, giúp nâng cao sức khỏe răng miệng, đồng thời chống viêm tự nhiên, từ đó ngăn ngừa áp xe lợi trùm và những bệnh răng miệng khác hiệu quả hơn.
- Uống nước thường xuyên để tránh khô miệng, đồng thời làm sạch khoang miệng tự nhiên.