Nhiệt lưỡi là tình trạng xuất hiện các vết loét trên bề mặt lưỡi. Bệnh gây đau, khó chịu và thường ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống và giao tiếp của người mắc. Tuy nhiên, nhiệt lưỡi khá lành tính và có thể điều trị tương đối dễ dàng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến độc giả 8 cách chữa nhiệt lưỡi hiệu quả, nhanh chóng và không tái lại.
Nhiệt lưỡi có nguy hiểm không?
Nhiệt lưỡi gây ra các vết loét trên bề mặt lưỡi, thường có hình oval, màu trắng, viền đỏ. Thông thường các vết loét nhiệt lưỡi khá lành tính, có thể tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên các vết loét này thường gây đau và do vị trí ở lưỡi nên ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề ăn uống và giao tiếp hàng ngày.
Trong số ít trường hợp, bệnh nhiệt lưỡi có thể bị nhầm lẫn với ung thư lưỡi. Ở bệnh nhân ung thư lưỡi cũng xuất hiện các vết loét trên lưỡi. Tuy nhiên các vết loét này thường có kích thước lớn hơn, đau đớn hơn và thường kéo dài lâu ngày không khỏi. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy dấu hiệu bất thường ở vết loét, hãy tìm gặp bác sĩ để được kiểm tra chính xác tình trạng của mình.
Nhiệt lưỡi gây đau đớn khó chịu cho người mắc
Cách chữa nhiệt lưỡi bằng thuốc
Nguyên nhân gây ra nhiệt lưỡi vẫn chưa được xác định rõ ràng, vì vậy các loại thuốc điều trị nhiệt lưỡi thường dùng hiện nay chủ yếu là các loại thuốc giảm đau, thuốc bao vết loét hoặc chống bội nhiễm vi khuẩn. Các loại thuốc thường được chỉ định điều trị nhiệt lưỡi bao gồm:
Axit hyaluronic: Thuốc có tác dụng như một rào cản giữa vết loét và phần còn lại của miệng. Bạn có thể mua axit hyaluronic 0,2% dạng thuốc không kê đơn, bôi trực tiếp lên vị trí loét hoặc sử dụng liều mạnh hơn khi có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc giảm đau: Nếu các vết loét gây đau đớn nhiều bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc giảm đau nhóm NSAIDs như ibuprofen. Ngoài ra, một số loại thuốc giảm đau như thuốc gây tê tại chỗ hay thuốc giảm đau kháng viêm corticoid cũng thường được sử dụng trong điều trị nhiệt lưỡi. Tuy nhiên đây là nhóm thuốc có tác dụng dược lý mạnh, chỉ được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn, bạn không nên tự ý mua và sử dụng chúng.
Kháng sinh: Các thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn vì vậy có thể được chỉ định nếu có bội nhiễm vi khuẩn ở các vết loét. Kháng sinh cũng là nhóm thuốc kê đơn vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng.
Nước súc miệng sát trùng: Các vết loét là môi trường lý tưởng cho sự xâm nhập của vi khuẩn, vì vậy sử dụng các loại dung dịch súc miệng sát khuẩn có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn, giúp nhiệt lưỡi nhanh lành hơn.
Vitamin, acid amin: Các chất bổ sung như arginine, vitamin C và lysine giúp bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể, thúc đẩy quá trình chữa lành các vết loét.
Sử dụng thuốc để chữa nhiệt lưỡi
Cách chữa nhiệt lưỡi tại nhà đơn giản, hiệu quả
Ngoài điều trị bằng thuốc, bạn có thể tham khảo các phương pháp chữa nhiệt lưỡi tại nhà đơn giản, hiệu quả như súc miệng bằng nước muối và chữa nhiệt miệng bằng các loại thảo dược như dầu dừa, nha đam, đinh hương, sáp ong, baking soda, hoa cúc.
Súc miệng bằng nước muối
Việc súc miệng thường xuyên bằng nước muối đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh lý răng miệng. Nước muối loãng 0,9% có tác dụng diệt khuẩn rất tốt, giúp làm dịu các vết loét và làm sạch khoang miệng. Bạn nên súc miệng thường xuyên 3-4 lần/ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Chữa nhiệt lưỡi bằng sáp ong
Sáp ong được xem như một loại kháng sinh tự nhiên được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các bệnh lý răng miệng. Các nghiên cứu đã chứng minh thành phần Flavonoid có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giúp điều trị các vết loét miệng hiệu quả.
Sử dụng sáp ong để điều trị nhiệt lưỡi tại nhà hiệu quả
Chữa nhiệt lưỡi bằng dầu dừa
Dầu dừa có đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn hiệu quả. Bạn có thể sử dụng dầu dừa thoa trực tiếp lên các vết loét hoặc dùng dầu dừa để súc miệng. Thực hiện phương pháp này đều đặn khoảng 2-3 lần/ngày sẽ giúp các vết loét miệng lành lại nhanh chóng.
Chữa nhiệt lưỡi bằng nha đam
Nha đam có tác dụng làm dịu niêm mạc, giảm đau khi bị nhiệt lưỡi. Bạn có thể dùng nha đam thoa nhẹ nhàng lên vết loét hoặc súc miệng bằng nước ép nha đam để chữa nhiệt lưỡi. Tuy nhiên, bạn nên chú ý không sử dụng phần nhựa vàng trong cây nha đam vì có chứa Aloin có thể gây các tác dụng không mong muốn lên đường tiêu hóa.
Chữa nhiệt lưỡi bằng đinh hương
Đinh hương có chứa hoạt chất eugenol là một hoạt chất được sử dụng rất phổ biến trong nha khoa. Eugenol có tác dụng gây tê, giảm đau đối với các vết loét do nhiệt lưỡi. Bạn chỉ cần thoa tinh dầu đinh hương lên vị trí loét, thực hiện khoảng 1-2 lần/ngày để chữa nhiệt lưỡi hiệu quả.
Chữa nhiệt lưỡi bằng baking soda
Baking soda có tác dụng làm dịu niêm mạc và giảm đau hiệu quả. Bạn có thể sử dụng baking soda bằng cách pha với nước ấm thành hỗn hợp súc miệng hoặc tạo hỗn hợp bột nhão để thoa lên vết loét.
Chữa nhiệt lưỡi bằng hoa cúc
Hoa cúc được chứng minh có tác dụng chống viêm hiệu quả. Để sử dụng hoa cúc chữa nhiệt lưỡi bạn có thể dùng túi trà hoa cúc đắp trực tiếp lên vết loét hoặc súc miệng bằng trà hoa cúc. Thực hiện đều đặn để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Phòng tránh nhiệt lưỡi tái lại như thế nào?
Bên cạnh điều trị thì phòng tránh nhiệt lưỡi tái lại cũng đóng vai trò rất quan trọng. Để phòng bệnh hiệu quả bạn nên:
- Thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Tránh các đồ ăn, thức uống dễ gây kích ứng như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá,...
- Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng
- Tránh stress, căng thẳng.
Trên đây là những thông tin về bệnh nhiệt lưỡi và 8 cách chữa nhiệt lưỡi hiệu quả nhất, hy vọng có thể cung cấp cho quý độc giả những thông tin cần thiết. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào vui lòng để lại số điện thoại hoặc bình luận phía dưới để nhận được tư vấn.