Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho chúng tôi. Với tình trạng miệng hôi và đắng như của bạn, xin đưa ra một số thông tin như sau:
Tại sao nhiều người bị miệng hôi và đắng?
Miệng giúp cảm nhận được vị chua, ngọt, mặn, đắng, cay khi có thức ăn, nước đưa vào. Nhưng khi bạn luôn có cảm giác đắng miệng với mọi đồ ăn, thì điều này đã liên quan tới việc thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi. Người có cảm giác miệng đắng thường kèm những dấu hiệu sau: Đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, đại tiện táo, rêu lưỡi mỏng và vàng, nước tiểu đỏ vàng, không thiết ăn uống và hơi thở có mùi hôi khó chịu.
Thực tế, miệng đắng và hôi là do nhiều nguyên nhân rất thường gặp sau:
- Giảm tiết nước bọt, khô miệng, mất nước, viêm tuyến nước bọt và các bệnh về răng lợi như nhiễm trùng răng, nha chu, viêm lợi. Bên cạnh đó, còn do vi trùng sinh sôi trong miệng, lợi, kẽ răng gây viêm răng, viêm họng,…
- Bổ sung quá liều các khoáng chất như kẽm, đồng, crôm hoặc canxi và sắt.
- Lạm dụng thuốc kháng sinh.
- Hút thuốc lá và hít nhiều hóa chất môi trường (xi măng, benzen…) dẫn đến vị đắng trong miệng.
- Do chế độ ăn uống, trong khẩu phần ăn có chứa một số thực phẩm có mùi (tỏi, hành, thuốc lá, cà phê,…) gây nên.
Nếu tình trạng miệng đắng và hôi lặp lại nhiều lần thì đó chính là triệu chứng của căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đây là hiện tượng các chất dịch dạ dày vượt qua lỗ tâm vị, trào lên thực quản có kèm theo dịch mật. Tình trạng miệng đắng và hôi này có thể điều trị khỏi nếu bạn phát hiện sớm và chữa đúng cách.
Khi bị hôi miệng, đắng miệng phải làm sao?
Quan trọng nhất là chúng ta cần tìm ra đúng nguyên nhân để điều trị nhanh chóng khắc phục tình trạng miệng đắng. Một số cách sau đây sẽ giúp bạn xử lý khi miệng đắng và hôi:
- Thay đổi thói quen ăn uống, có thể chia nhỏ khẩu phần ăn, không ăn nhiều, ăn no cùng một lúc. Như vậy sẽ làm giảm áp lực trào ngược axit gây ra đắng miệng.
- Hãy uống đủ nước, tránh dùng các thức uống có gas, trà, cà phê vì gây lợi tiểu, mất nước hơn nữa, chúng có thể làm rối loạn hoạt động dạ dày – ruột.
- Chọn loại thực phẩm giúp dễ tiêu hóa và kích thích sản xuất nước bọt và loại bỏ vị đắng trong miệng như: Cam, quýt, rau xanh, bơ và các loại hạt có tính kiềm,…
- Thường xuyên vệ sinh khoang miệng đúng cách và sử dụng chỉ nha khoa 3 - 4 lần/tuần để loại bỏ mảng bám của thức ăn giữa các kẽ răng. Sau đó, bạn dùng nước muối ấm để súc miệng, nước muối sẽ làm giảm lượng vi khuẩn có trong miệng.
- Nhai kẹo bạc hà hương cam quýt hoặc uống ít nhất một muỗng cà phê đinh hương hay quế sau bữa ăn hoặc buổi sáng.
Chúc bạn sức khỏe!